Không phải đợi đến khi vụ cháy Carina xảy ra các cơ quan chức năng mới “giật mình” mà trong nhiều năm liền, cảnh sát PCCC đã cảnh báo, đã kiến nghị, đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng cháy nổ vẫn cứ xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Trước những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người nghi ngại rằng lực lượng PCCC chưa làm hết trách nhiệm, du di bỏ qua khi phát hiện lỗi vi phạm ở các chung cư, nhà cao tầng. Nhiều người còn đặt câu hỏi: Nếu chung cư không an toàn, sao không áp dụng biện pháp mạnh, đình chỉ hoạt động, đợi chủ đầu tư khắc phục xong mới cho dân vào sinh sống?
Thế nhưng thực tế là cảnh sát PCCC đã “làm hết cách” trong phạm vi mà pháp luật cho phép.
Hỏa hoạn đã khiến khoảng 150/1.000 xe máy và 13/150 ô tô các loại bị cháy, trong đó có năm ô tô bị cháy rụi. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Bởi lẽ các quy định chế tài về PCCC chỉ cho phép phạt hành chính với mức cao nhất là 80 triệu đồng. Trừ khi nơi đó có hành vi tái phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mới áp dụng biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động. Vì vậy nhiều chung cư chưa được nghiệm thu PCCC đã cho dân vào ở và chủ đầu tư sẵn sàng đóng phạt để đảm bảo giao nhà cho người mua theo cam kết.
Chưa hết, theo Nghị định 79/2014, các trường hợp chung cư, nhà cao tầng chỉ bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động khi vi phạm an toàn PCCC mà vi phạm đó có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy nổ mà nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ cháy nổ hoặc đã bị xử phạt nhưng tiếp tục vi phạm. Và khi đình chỉ, tạm đình chỉ chỉ thực hiện trong phạm vi nhỏ nhất.
Trở lại với các chung cư, nhà cao tầng, thông thường khi cảnh sát PCCC kiểm tra sẽ phát hiện những vi phạm về chuông báo cháy, đèn báo cháy, trụ bơm, vòi nước, lối thoát hiểm… Và những lỗi này không là nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy nổ nên không thể tạm đình chỉ hoạt động được mà chỉ có thể buộc nơi đó khắc phục. Thực tế, với các lỗi không trực tiếp gây nguy cơ cháy nổ như chuông, đèn, máy bơm…, chủ đầu tư còn nại cớ là đang tìm nhà cung cấp, tìm nơi giá cả rẻ để thay thế nên cơ quan kiểm tra chỉ có thể phạt và ra thời hạn khắc phục chứ không thể tạm đình chỉ được.
Chưa hết, nếu cảnh sát PCCC mạnh tay, đình chỉ các chung cư thì hàng trăm cư dân sống trong đó sẽ phản ứng vì đụng chạm đến quyền lợi của họ.
Chế tài đã có nhưng chưa mang tính khả thi và ngay trong chỉ thị mới nhất của TP.HCM, biện pháp mạnh nhất với các chung cư chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa dân vào sinh sống cũng chỉ là đôn đốc việc thực hiện các yêu cầu về PCCC với tần suất cao (15 ngày/lần) hoặc bêu tên trên các phương tiện truyền thông…
Kiểm soát chặt chẽ an toàn PCCC ngay từ đầu và trong suốt quá trình xây dựng chung cư, nhà cao tầng; kiểm tra thường xuyên về PCCC và tập huấn cho người dân về ý thức PCCC cùng cách thoát hiểm khi sự cố xảy ra là biện pháp căn cơ nhất để không xảy ra các trường hợp tương tự vụ Carina.