Theo VKS, Phan Văn Anh Vũ lẽ ra phải chịu án từ 20 năm đến chung thân nhưng do đã khắc phục hậu quả nên cần xem xét cho án nhẹ hơn.
Vũ đồng ý mua và sau đó đã mua cổ phần với giá trị 600 tỉ đồng. Tuy nhiên, Vũ chỉ có 400 tỉ, thiếu 200 tỉ nên ông Bình đã chỉ đạo nhân viên thu khống 200 tỉ để Vũ mua cổ phần.
Mức án cao nhất của vụ án là chung thân. Đó là mức án dành cho cựu tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình.
Tại tòa, Vũ kêu oan, cho rằng mình bị khởi tố, truy tố oan vì Vũ hoàn toàn không biết về nguồn gốc số tiền mà ông Bình cho mình vay.
Ông Bình cũng nói vì mong muốn dựa vào uy tín của Vũ "nhôm" thì sẽ tăng uy tín cho ngân hàng nên dù Vũ không đủ tiền mua số cổ phần như mong muốn nhưng ông Bình vẫn tìm cách lo cho Vũ.
Tại tòa, cựu trưởng phòng nguồn vốn Nguyễn Đức Vinh có lời khai rằng tập trung nghe chỉ đạo của ông Bình nên không biết việc Vũ có biết số tiền này được thu khống. Đó là việc của Vũ. Sau đó Vinh hướng dẫn Vũ ghi các chứng từ liên quan.
Đại diện VKS cho rằng việc Vũ ký khống giấy nộp tiền cho thấy hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của DAB. Như vậy, đủ căn cứ cho thấy Vũ phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm của Trần Phương Bình.
Đối với các bị cáo không làm trong ngân hàng như Phan Văn Anh Vũ, vì mục đích vụ lợi cá nhân, chiếm đoạt tiền DAB mà giúp sức cho Trần Phương Bình, bỏ mặc hậu quả xảy ra.
Theo VKS, lẽ ra Vũ phải chịu mức án trong khung từ 20 năm đến chung thân do bị truy tố tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 355 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhưng do Vũ đã tác động gia đình khắc phục 203 tỉ và hứa khắc phục 13,4 triệu USD nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Vũ.