Theo Sở GTVT TP.HCM, từ khi tăng cường các biện pháp chống chở quá tải, xe có tải trọng từ 11 tấn trở xuống giảm từ 70% còn 30%. Ngược lại, do nhu cầu vận chuyển, xe container trước chỉ khoảng 30% thì nay tăng lên 70%. Việc tăng đột biến xe container làm nhu cầu tài xế bằng FC (để lái xe container) tăng mạnh.
Trước thực tế thừa xe thiếu tài xế phổ biến, nhiều doanh nghiệp (DN) chấp nhận “vơ bèo gạt tép” tuyển chọn tài xế sơ sài, thậm chí giao chiếc xe to kềnh cho tài xế có bằng giả, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức pháp lý tối thiểu. “Một chiếc xe phải gánh nhiều chi phí nên không ít chủ xe sợ xe nằm nhà, trong khi tài xế có bằng FC khan hiếm nên có DN tuyển cả tài xế dùng bằng FC giả” - ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Minh Liên, lý giải.
Bằng giả được Sở GTVT TP.HCM phát hiện. Ảnh minh họa. Ảnh: MP
Tài xế xài bằng giả gây họa
Gần cuối năm 2014, tài xế TVL của DN vận tải K. lái một chiếc xe container đã gây tai nạn ở Bình Dương. Tài xế bị khởi tố, xe container bị tạm giữ để phục vụ điều tra. Ông T., chủ DN trên, đứng ra thương lượng bồi thường cho gia đình nạn nhân, bồi thường hàng hóa và chi phí xe bị giữ hơn 400 triệu đồng.
Sau đó, ông T. làm thủ tục yêu cầu công ty bảo hiểm xem xét bồi thường. Để có căn cứ giải quyết, công ty bảo hiểm xác minh bằng lái xe FC của tài xế L. (do tài xế này cung cấp) tại nơi ký tên, đóng dấu là Sở GTVT TP.HCM. Tuy nhiên, mới đây Sở GTVT TP trả lời đơn vị không cấp và quản lý bằng lái FC của tài xế L. “Điều này có nghĩa là bằng lái FC tài xế L. sử dụng lâu nay là giả” - ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX), Sở GTVT TP.HCM, khẳng định.
Trước kết quả này, công ty bảo hiểm đã từ chối giải quyết. Trao đổi với PV, tài xế L. thừa nhận: “Trước đây tôi được một người dạy lái “bao” thi lý thuyết, thực hành để lấy bằng lái hạng C với giá 12 triệu đồng. Tôi dợt xe trong vòng 2-3 giờ là được cấp bằng C. Năm 2013, tôi tốn thêm 3 triệu đồng nâng hạng bằng lái này lên FC để lái xe container. Sau đó, tôi xin vào Công ty K. làm việc, được giao lái xe container”.
Ông giám đốc DN K. kể khi L. đến xin việc, trong hồ sơ L. là tài xế có dấu C lâu năm, lại có đầy đủ hồ sơ từ bằng C lên FC nên công ty tin tưởng nhận. Lúc đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa đưa lên mạng danh sách người có bằng FC nên công ty không kiểm tra được và chọn nhầm tài xế xài bằng giả. Hệ quả là khi xảy ra tai nạn, bảo hiểm từ chối giải quyết và khoản thiệt hại trên công ty phải gánh. “Sau sự việc này, khi tuyển tài xế tôi không những rà soát hồ sơ, bằng lái của họ mà còn xem những hồ sơ có vấn đề và loại ngay người sử dụng bằng giả. Chúng tôi không có chủ trương tuyển dụng tài xế dùng bằng giả, bằng không hợp lệ. Điều này không chỉ là trách nhiệm đối với xã hội mà còn liên quan đến lợi ích trực tiếp của DN” - ông T. nói.
Bằng giả tràn lan
Ông Võ Trọng Nhân cho biết qua xác minh, từ đầu năm 2014 đến nay phòng đã phát hiện hơn 1.000 GPLX giả. “Trong quá trình làm thủ tục cấp đổi GPLX, chúng tôi mời nhiều trường hợp nghi ngờ sử dụng bằng lái giả đến làm việc. Khi được thông báo đó là bằng giả, hầu hết người đứng tên trong bằng lái đều nhanh chóng “bỏ của chạy lấy người”. Nhiều người còn cả gan giật lấy bằng lái dỏm rồi chạy” - ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, trong số các bằng lái giả nêu trên có gần 110 trường hợp là bằng lái FC giả. Các trường hợp này được phát hiện là do cơ quan điều tra, tòa án hoặc các đơn vị bảo hiểm đề nghị xác minh. Nghĩa là con số 110 bằng lái FC giả nêu trên chỉ được phát hiện khi xảy ra tai nạn. Trong thực tế khả năng bằng lái FC giả có thể còn cao hơn nhiều. Các bằng lái này có đóng dấu, chữ ký được làm giả tinh vi nhưng không có hồ sơ gốc. “Trong nhiều vụ TNGT do xe container gây ra, khi cơ quan CSĐT xác định tài xế dùng bằng lái FC giả thì chủ xe có thể bị vạ lây do đã giao xe cho người không đủ điều kiện. Vì vậy khi các DN tuyển dụng lái xe cần xem kỹ bằng lái, yêu cầu lái xe định tuyển cung cấp hồ sơ gốc để đối chiếu, kiểm tra” - ông Nhân khuyến cáo.
Theo đó, DN muốn kiểm tra tính xác thực của bằng lái PET có thể vào trang web gplx.gov.vn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để tra cứu. Sau đó nhập số sêri bằng lái ở mặt trước, nhấn nút tra cứu sẽ có ngay thông tin như họ tên người, số bằng lái thật, hạng bằng, ngày cấp, ngày trúng tuyển… Ngoài ra, DN có thể lập danh sách những bằng lái, gửi công văn đến Sở GTVT (cơ quan cấp bằng lái) để xác minh. “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khi có văn bản đề nghị xác minh. Nhiều DN đã làm kỹ theo cách này và loại trừ được việc tuyển “nhầm” tài xế có bằng lái giả. Thông qua đó sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro xảy ra TNGT, giảm thiểu các rủi ro về trách nhiệm liên đới của chủ xe” - ông Nhân nói.
Một vụ TNGT liên quan đến xe container xảy ra ở quốc lộ 22, TP.HCM. Ảnh: TRUNG DUNG.
Doanh nghiệp phải nhìn lại
Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng TNGT do lái xe container gây ra tăng cao là có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, DN vận tải và cả tài xế. Do vậy, DN vận tải cần trao đổi với tài xế về thực tế hiện nay, đồng thời rà soát về năng lực, kinh nghiệm của từng tài xế... “DN tự xem lại đã thực hiện tốt quy định, điều kiện trong kinh doanh vận tải chưa? Nhận thức của chủ DN thay đổi thì tài xế sẽ thay đổi và lái xe sẽ an toàn hơn” - ông Thọ nhận xét.
Ông Thọ cho biết sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam công khai toàn bộ danh sách những lái xe được cấp bằng FC từng khu vực giúp DN tiện tra cứu hoặc tuyển dụng lao động, tránh gặp phải người sử dụng bằng giả. “Bộ GTVT cũng tăng cường cho một số đơn vị tuần tra kiểm soát có đèn soi để dễ dàng phát hiện bằng giả. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các sở GTVT địa phương cử thêm một số chuyên gia kinh nghiệm tham gia sát hạch, tập huấn cho DN vận tải container có nhu cầu. Có buổi tập huấn chỉ 1-2 giờ nhưng chuyên gia kinh nghiệm chuyển tải cho lái xe thế hệ sau nhiều bài học bổ ích. Đây là giải pháp của nhiều nước đã làm nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của lái xe, góp phần giảm thiểu TNGT” - Thứ trưởng Thọ nói.
Họ đã nói Tài xế xài bằng giả làm tăng TNGT Việc sử dụng tài xế bằng FC giả là vấn đề cần đặt ra. Đây là nguyên nhân chính làm TNGT do xe container tăng đột biến trong thời gian vừa qua. Chúng tôi kêu gọi các DN siết chặt trong việc sử dụng lao động. Nếu tình trạng dễ dãi trong tuyển dụng tài xế thì tình hình TNGT do xe container gây ra sẽ tiếp tục tăng lên. Ông NGUYỄN THÀNH CHUNG, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Giao xe cho tài xế xài bằng giả là tự sát Tai nạn do xe container gây ra liên tục gần đây do phát triển vận tải quá nóng từ nhiều năm qua. Qua đó cho thấy nhiều lỗ hổng ở các DN từ đầu tư, quản lý đến tổ chức khai thác kinh doanh vận tải. DN chưa quan tâm đúng mức đến đội ngũ lái xe, nhiều DN khoán trắng xe, trắng việc cho tài xế để họ tự tung tự tác trên đường. Thậm chí có DN vì thiếu tài xế bằng FC đã sử dụng người lái xe có bằng giả. Làm như vậy là tự sát, đưa DN vào con đường phá sản. Ông NGUYỄN VĂN THANH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam |
Kỳ tới: Để giải quyết tận gốc tai nạn giao thông, chủ doanh nghiệp vận tải cần thay đổi nhận thức, tư duy về quản trị doanh nghiệp.