Ngỡ ngàng với vẻ đẹp trường tồn của mộ xưa

(PLO) - TP có khá nhiều mộ cổ từng được khai quật và cũng còn nhiều mộ cổ trên 100 năm chưa được khai quật. PLO gửi đến bạn đọc phóng sự ảnh về một số ngôi mộ cổ đặc biệt tồn tại lâu đời ở TP.

Mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh

Mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh ở đường số 10, khu phố 4, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức. Diện tích khoảng 110 m2. Được UBND TP.HCM xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 2007. 

Ông Thái Bá Cởi, tổ trưởng Tổ dân phố, cho biết ông đã đến khu vực này sinh sống từ năm 1980, lúc đấy còn thưa người nên gần mộ vẫn còn trống trải, về sau càng nhiều người đến ở, dần rồi ở sát bên mộ. Hai phía của di tích này giáp sát tường nhà dân. Mặt trước và bên tay trái là con hẻm nhỏ. “Có lúc địa phương cũng có ý kiến về việc đền bù giải tỏa để di tích được rộng rãi, thoáng đẹp hơn, người đến viếng mộ thuận lợi hơn, mà cũng có thể xây hàng rào bảo vệ di tích. Tuy nhiên người dân đã sinh sống lâu năm, còn mộ cổ thì mãi đến 2007 mới công nhận, mà đền bù giải tỏa thì cũng tốn kém”.

Di tích nằm sát đường qua lại, trong khu dân cư đông đúc, không hề có hàng rào bảo vệ. Có lẽ để tránh người lạ lẫn súc vật đi vào xâm phạm di tích nên người dân đã đặt tấm gỗ chặn lối vào mộ.

 Tuy vậy, vài con mèo đã chọn những góc khuất sau các chậu cây cảnh làm nơi sinh sống.

Theo trang thông tin quận Thủ Đức, bia mộ ông làm bằng đá xanh, khắc 37 chữ Nho, đọc là “Linh Chiểu Đông thôn tiền hiền, húy Huy, hiệu Thủ Đức, Tạ phủ quận chi mộ. Tốt ư lục nguyệt thập cửu nhật. Canh Dần niên nhị nguyệt cát nhật, bản thôn hương chức tạo”. Dịch nghĩa là ông họ Tạ, tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức, là tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông. Chết ngày 19-6. Bản thôn hương chức lập bia vào ngày tốt tháng 2 năm Canh Dần (1890).

Phần mộ có dáng Ngưu miên (Trâu ngủ). Ông Thái Bá Cởi kể lại một câu chuyện dở khóc dở cười. Rằng nhiều năm trước, có người dân nhiệt tình mang sơn trắng ra sơn cho mộ trông sáng sủa hơn. Khi phát hiện ra nấm mộ cổ trắng toát thì đã muộn. Mộ này được gọi là dáng trâu ngủ, mà con trâu thường đầm trong bùn, con trâu thì màu đen chứ sao sơn trắng được.

Di tích này nằm trong đường số 10, khu phố 4, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức. Đầu đường số 10 giáp với đường Võ Văn Ngân nhưng không hề có bảng tên đường cũng như bảng chỉ dẫn lối vào di tích. Vì vậy mà người không phải dân địa phương thì khá khó khăn nếu muốn đến thăm di tích. Do bảng chỉ dẫn không được treo lên cột điện, cột đèn, mà không có tường nhà dân thích hợp để treo bảng nên ông Thái Bá Cởi đành treo bảng trên... tường nhà mình, chỉ cách mộ vài chục mét.

Đầu đường số 10 không có bảng tên đường nên khách sẽ khó tìm được đường vào di tích. Đầu đường là số nhà 249 Võ Văn Ngân.

Từ đường Trương Định

Từ đường Trương Định nhìn vào Di tích Mộ cổ họ Lâm trong Công viên Tao Đàn. Theo Quyết định 1760/QĐ-UBND, tháng 4-2014, di tích này được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP.

Theo PGS-TS Phạm Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM thì mộ này có cấu trúc lăng song táng, quy mô mộ lớn, kiến trúc khép kín và được bảo vệ rất tốt, được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Mộ nằm về phía tây bắc của Công viên Tao Đàn, cách đường Trương Định khoảng 35 m về phía hữu, cách giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Trương Định khoảng 55 m về phía tây bắc (H6). Trước đây, Công viên Tao Đàn thuộc khuôn viên Dinh Toàn quyền Pháp và năm 1869 mở đường Miss Clavell tách ra, được gọi là “Vườn Ông Thượng” hay “Vườn Bờ-Rô”, sau gọi là “Vườn Tao Đàn” mà theo học giả Vương Hồng Sển vốn thuộc tư dinh phu nhân Tả quân Đỗ Thị Phẫn. Quy mô kiến trúc lớn (từ bình phong hậu đến trụ cổng ngoài dài nhất 11,2 m; rộng nhất: 7,6 m), các vòng tường bao vây vòng - ngăn ngang tạo thành ba lần cổng vào lăng mộ, mộ có hướng đông lệch nam 150, bao gồm: tiền sảnh - sân thờ và nhà mộ (hậu lăng).

Lối vào Mộ cổ họ Lâm. Tiền sảnh hình chữ nhật (6 x 1,9 m), với hai trụ đài sen hình khối chữ nhật (60 x 60 cm, cao 165 cm, búp sen cao 40 cm, đường kính 50 cm) án ngữ cổng vào rộng 246 cm. Hai mặt trước và phía trong của thân trụ cổng (trụ búp sen)  có ô khuông trang trí hình chữ nhật lồng vào nhau nhưng hiện nay bên trong không còn dấu vết chữ viết hay hoa văn trang trí. Từ hai mạn bắc - nam của trụ cổng có đoạn tường bao ngang dài 150 cm sau đó gập vuông cạnh qua đoạn tường vát 450 thẳng ra phía sau nối liền với hai trụ kim (biểu) (60 x 60 cm). Giữa sân trước có bức bình phong tiền (rộng 160 cm, dày 42 cm, cao 138 cm) hình chiếu thư (mặt trước) đặt trên bệ đỡ đổ khối rộng về các phía 10-15 cm.

Cổng vòm ngăn cách tiền sảnh - sân thờ. Vách sau sân trước đồng thời là vách trước của sân thờ, ở giữa vách có cổng vòm được kiến thiết nối tiếp qua các đoạn tường bao dày 55 cm, cao 120 cm (so với sân thờ), mặt trước và sau của hai đoạn tường bao này được tạo khuôn trang trí hình chữ nhật lõm vào nhưng mờ văn trang trí.

 Ngỡ ngàng với vẻ đẹp trường tồn của mộ xưa ảnh 11

Mộ nhỏ trong sân thờ, phía tay trái. Sân thờ hình chữ nhật (7,6 x 2,2 m) có tường bao tạo dáng bệ ghế (tràng kỷ) (dài 220 cm, dày 60 cm). Đỉnh mái bảy ống ngói và hai khối hợp chất giật cấp hình voi phục cách điệu ôm cặp trụ cổng.


Ngỡ ngàng với vẻ đẹp trường tồn của mộ xưa ảnh 12 

 
Phía bên phải của sân thờ để trống.

Bia Mộ cổ họ Lâm. Hai bia đá xanh (45 x 80 cm) còn một số chữ Hán: Bia tả: “ĐẠI NAM” (大 南). “Hiển khảo trọng giang (?) Ất Mùi (?) thu quyên (?) chủ húy tự trường Lâm Tam Lang chi mộ” (顯 考 仲 江 乙 未 秋 捐 主 諱 字 長 林 三 朗 之 墓) Dịch nghĩa: “Mộ cha là con trai thứ ba Lâm gia”. Bia hữu: “ĐẠI NAM. Hiển tỷ…chủ lâm nguyên thất…chi mộ” (大南. 顯…林…之 墓). Dịch nghĩa: Mộ mẹ….Vợ nhà họ Lâm”.

 Theo truyền tụng, đây là mộ ông Lâm Tam Lang tự “Nguyên thất” người gốc Quảng Đông mất vào mùa thu Ất Mão (1795) (?) và bà Mai Thị Xã. Hậu duệ đời thứ tư của ông Lâm Tam Lang là cụ Lâm Quang Ky - Phó lãnh binh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, đã góp phần không nhỏ trong trận chiến thắng Nhật Tảo lẫy lừng. (Trong hình, Kiến trúc Mộ cổ họ Lâm nhìn từ bên hông phải)

Ngoài bia chữ Hán này thì không có một bảng thông tin nào gần khu vực ngôi mộ. Do đó, nhiều người dân không biết đây là mộ cổ có giá trị về kiến trúc, càng không biết công trình này được xếp hạng di tích, không khỏi thắc mắc tại sao trong Công viên Tao Đàn lại tồn tại một ngôi mộ, mộ này là mộ ai, có giá trị gì...

 Mộ ông Võ Tánh 

Mộ ghi tên ông Võ Tánh tại đường Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình.

Bia mộ ghi ông Võ Tánh, mất ngày 27-7-1801 năm Tân Dậu...

Người dân tự quét dọn phần vỉa hè trước mộ. Bên cạnh mộ cổ này là Tổ bảo vệ dân phố khu phố 7. Ông Nguyễn Văn Lợi, tổ viên, cho biết tổ phải thường xuyên ra trông chừng, nhắc nhở, không thì có nhiều người vô ý thức đến phóng uế, vứt rác.

Tuy vậy ngôi mộ không khỏi cảnh hoang tàn khi lá khô, cây mục và nhiều thứ rác khác đọng lại trên mộ. Đã vậy, người dân tận dụng khoảng vỉa hè sau mộ để kinh doanh, trông càng mất mỹ quan.

Võ Tánh là danh tướng nhà Nguyễn. Năm 1801, đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định giao Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Ngay sau đó, thành bị quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy của Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng bao vây. Trần Quang Diệu thúc quân ngày đêm đánh thành. Cạn kiệt lương thực, có người khuyên vượt vòng vây trốn, Võ Tánh cương quyết ở lại. Sau đó, ông cho người trao Trần Quang Diệu một bức thư, xin tha chết quân sĩ trong thành. Rồi ông sai thuộc hạ chất củi rơm dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, châm ngòi tự vẫn.

Mộ Võ Tánh nằm trong nội cung thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc. Mộ hình tròn trên nấm có đắp hình con dơi. Mộ nằm kề bên mộ Ngô Tùng Châu, hình chữ nhật (sau cải táng về Phù Cát). Theo học giả Vương Hồng Sển thì thi hài Võ Tánh bị cháy hết. Sau, vua Gia Long sai lập mộ tưởng nhớ ông ở Phú Nhuận (nay tọa lạc tại hẻm 19 đường Hồ Văn Huê, TP Hồ Chí Minh), chôn hình nhân bằng sáp.

Ngỡ ngàng với vẻ đẹp trường tồn của mộ xưa ảnh 21

Theo trang thông tin quận Tân Phú, mộ ông Lý Tường Quang và bà Nguyễn Thị Lâu có kiến trúc đặc biệt, tổng thể như một ngôi nhà trên diện tích khoảng 200 mét vuông, nhiều chi tiết điêu khắc và chạm khắc trang trí lộng lẫy. Theo trang thông tin quận Tân Phú, ông Lý Tường Quang (tên khác là Xường) thuộc một trong những gia đình giàu có và được xếp vào hạng thứ ba lúc sinh thời (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định). Nhà mộ vợ chồng ông là một công trình kiến trúc khá đặc biệt, dù đã xây dựng cách đây hơn trăm năm nhưng vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp của một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm giá trị văn hóa tín ngưỡng và nét đẹp đặc trưng của mĩ thuật Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhà mộ này được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP vào năm 2009. (Hình: trang tin quận Tân Phú)

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm