100 CEO doanh nghiệp đồng hành cùng TP.HCM phát triển kinh tế xanh

(PLO)-Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, Thành phố đang rất quyết tâm, cam kết tập trung xây dựng các khung hành động cụ thể, bố trí đầy đủ nguồn lực và tổ chức thực hiện để đạt kết quả trong thời gian tới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-9, tại Hội trường Thống Nhất, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, các Phó chủ tịch Võ Văn Hoan, Bùi Xuân Cường, các sở ngành có buổi gặp gỡ với các đoàn các chuyên gia, quốc tế trong chương trình gặp gỡ 100 CEO các tập đoàn áp dụng mô hình kinh tế xanh.

Tại buổi gặp gỡ các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) chia sẻ kinh nghiệm, góp ý về áp dụng phát triển kinh tế xanh.

Doanh nghiệp Nhật còn vướng khi muốn biến rác thải thành điện

Ông Han Sang Deog, Phó Tổng giám đốc điều hành Samsung Engineering Co,Ltd cho biết, thời gian qua Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội và cần tiếp tục duy trì sự phát triển này trong tương lai.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghiệp dẫn đến một vấn đề không thể tránh khỏi đó là ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, Việt Nam cần phải nỗ lực để hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Vì vậy, để giải quyết các thách thức này, Samsung Engineering đang đề xuất một chiến lược tên là “Tổ hợp môi trường tích hợp” cho các dự án môi trường tại Việt Nam.

Theo ông Deog, đây là khu phức hợp môi trường kinh tế tuần hoàn, tích hợp xử lý nước thải, xử lý chất thải và khí sinh học sử dụng năng lượng tự sản xuất mà không cần sử dụng đến nguồn năng lượng từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, Samsung Engineering từ lâu đã quan tâm và xem xét đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và đốt rác phát điện giải quyết vấn đề môi trường tại TP.HCM.

Samsung Engineering sẽ hợp tác với UBND TP.HCM đầu tư vào các dự án môi trường có thể cải thiện môi trường sống của người dân thành phố.

Tuy nhiên, ông Deog cho rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và Samsung Engineering là điều cần thiết để phát triển thành công các dự án môi trường.

Trong khi đó ông Hiroshi Matsumura, Chủ tịch Hội đồng quản trị-Tổng Giám đốc Công ty TNHH KOA cho biết, công ty hoạt động ở lĩnh vực tái chế rác giấy thành sản phẩm là thùng các tông.

“Chúng tôi cần thu gom 1.300 tấn giấy phế liệu/ngày để tái chế 1.000 tấn giấy. Quá trình thu gom công ty đã tiến hành phân loại, trong số này có 200 tấn rác nhựa hoặc các rác khác thì chúng tôi muốn biến thành năng lượng sản xuất phục vụ trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, do vướng pháp lý, công ty đang làm các thủ tục nhưng chưa được cấp phép thực hiện”-ông Matsumura nói.

Ông Matsumura cho biết, để có thể phát triển năng lượng xanh sạch, sản xuất xanh... cần có các chính sách để cho DN có thể thuận lợi triển khai.

Tại Nhật Bản, những DN sản xuất xanh, biến rác thải thành năng lượng tuần hoàn được nhà nước ủng hộ khuyến khích và công nhận. Tuy nhiên, để triển khai được DN cần có bản thiết kế, kế hoạch… gửi cho cơ quan ban ngành và phải được cấp phép DN mới làm. Công ty mẹ tại Nhật đã làm việc này từ nhiều năm nay.

“Việt Nam có cam kết đến năm 20250 đạt net zero, tuy nhiên công ty đặt mục tiêu trước đó 10 năm nghĩa là năm 2040 sẽ đạt net zero. Theo đó, công ty đặt ra kế hoạch năm năm một lần triển khai các hoạt động để đạt được mục tiêu nhỏ, dần đến năm 2040 đạt được mục tiêu chính.

Bản thân DN chúng tôi tin tưởng Việt Nam có thể đạt được cam kết, tuy nhiên cần có giải pháp khoa học kỹ thuật công nghệ…” ông Matsumura nói.

LANH-DAO-tai-CEO .jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM tại buổi gặp gỡ 100 CEO. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM sẽ ban hành khung chiến lược, hành động, chính sách về phát triển xanh

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, Châu Âu tiên phong trong các quy định xanh mà các tập đoàn, DN lớn có trụ sở tại Châu Âu phải đáp ứng. Vì vậy, DN Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu từng bước đáp ứng các quy định này.

Chẳng hạn, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM-nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu) hay quy định liên quan đến bảo vệ rừng.

Các quy định này sẽ áp dụng cho các DN lớn trước, tuy nhiên các DN vừa và nhỏ tuy nhiên các DN nên chuẩn bị trước.

“Chủ tịch UBND TP.HCM nhiều lần nhắc đến sự quan trọng của kinh tế xanh và TP.HCM muốn đi trước, các DN Châu Âu cũng muốn đi trước. Đây là cơ hội, chiến lược lâu dài và cùng nhau hỗ trợ”-ông Gabor Fluit nói.

Kết luận tổng kết tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ cảm ơn các góp ý của chuyên gia, đại biểu.

Theo ông Mãi, điểm chung các góp ý cho thấy phát triển xanh là tất yếu, Thành phố cần tiên phong, tiến hành bài bản và khẩn trương hơn. TP.HCM tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu để hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Trong tháng 9, chúng tôi phấn đấu hoàn thành khung chiến lược, khẩn trương xây dựng khung hành động cụ thể. TP ban hành hoặc đề xuất ban hành quy chuẩn trên cơ sở nghiên cứu các quy chuẩn quốc tế để có những quy chuẩn chi phối từ sản xuất tiêu dùng đến các yếu tố liên quan đến phát triển xanh”-ông Mãi nói.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ nghiên cứu các chính sách để đồng hành với quá trình chuyển đổi xanh, phát triển xanh... Từ nay đến cuối năm một số nội dung sẽ hoàn thiện và ban hành đầu năm 2024.

Lãnh đạo Thành phố bày tỏ cảm ơn EuroCham sẵn sàng đồng hành cùng các hoạt động nâng cao nhận thức để chuyển đổi hành vi tiêu dùng xanh đối với cộng đồng DN.

“TP.HCM đang rất quyết tâm, chúng tôi cam kết tập trung xây dựng các khung hành động cụ thể, bố trí đầy đủ nguồn lực và tổ chức thực hiện để đạt kết quả trong thời gian tới”-ông Mãi nhấn mạnh.

Theo ông Gabor Fluit, đối với DN Châu Âu thị trường TP.HCM rất quan trọng vì đa số DN Châu Âu tại Việt Nam có trụ sở chính tại TP.HCM. Riêng EuroCham có hơn 1.300 thành viên, 90% có trụ sở chính tại TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm