Nhìn tư thế ngồi lái đã biết chạy xe thế nào
Ngày đầu được ông chủ xe xin bảo vệ công ty cho tôi được chạy chiếc xe IFa W50 chở đầy hàng vào bãi, sau khi cất xe xong tôi đi bộ ra. Ông bảo vệ nhanh miệng: Cháu chạy xe tốt đấy! Quá ngạc nhiên, tôi hỏi: Sao bác lại có nhận xét như vậy? Ông bảo vệ cười nói: Bác là lính lái xe Trường Sơn, nay nghỉ hưu về làm bảo vệ. Chỉ cần nhìn tư thế ngồi lái là biết ngay ai chạy xe được hay không?
Tôi đã chiêm nghiệm và đến bây giờ bài đầu tiên, tôi cũng đặc biệt lưu ý chỉ học viên biết cách chỉnh ghế và tư thế ngồi ôm vô lăng phải thật sự thỏa mái. 2/3 lưng phải chặt vào ghế, thắt dây an toàn. Mũi bàn chân trái đạp li hợp (côn) sát sàn mà không phải rướn người. Mũi bàn chân phải đạp, nhả ga, phanh nhẹ nhàng, thanh thoát.
Việc thắt dây an toàn với những người mới vào nghề ổn định tư thế ngồi. Không nghiêng bên này, vặn bên kia khi lái, không chồm người tới trước và ôm chặt vô lăng vì cứ muốn thấy phía trước cho rõ hơn. Tư thế ngồi lái ổn định mới có thể căn, ước lượng chiếc xe đi chính xác và hai chân làm việc tự chủ, ít chết máy, ít nhầm chân ga…
Vài thao tác trước khi xuất phát
Trước khi xuất phát cần phải làm vài thao tác làm quen xe như nhịp chân ga vài cái, đạp nhẹ và nhả, chuyển sang đạp chân phanh vài cái. Sau đó ga tăng dần đều và để tâm lắng nghe sao cho tiếng động cơ vừa đủ, không quá rát (quá lớn) rồi nhả hết ra làm lại vài ba lần. Đây là kinh nghiệm xương máu để tránh việc nhầm chân ga khiến chiếc xe thành “xe điên” gây tai nạn hàng loạt.
Phải luôn nhắc mình mới vào nghề, tay lái, xử lý tình huống còn yếu, phải bình tĩnh trong mọi tình huống. Nhiều người miệng thì bảo sợ, trước khi đi thì cúng cầu an nhưng lên xe thì chân thì cứ đạp ga cho xe lao đi như điên đến khi xảy ra tai nạn rồi lại đổi thừa số phận, hoặc trách thần thánh không ở phe mình.
Cách căn đường
Đây là câu hỏi mà ngày cầm giấy phép lái xe ra trường rồi, gặp lái xe đường dài nào tôi cũng hỏi. Chỉ đến một ngày, tôi gặp anh tên Ngàn (hiện đã nghỉ chạy xe, ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) chỉ với một câu đơn giản và tôi đã ngộ ra và áp dụng mãi đến giờ đó là: “Căn cái gì mà căn, cứ đường mình mình chạy. Phía mình có chướng ngại vật thì chậm lại, hoặc dừng lại nhường cho nẫu đi rầu mình đi”.
Bài học quay đầu xe
Năm 2004, tôi sau nhiều năm lái xe tải đi nâng cấp lên hạng E (chạy xe khách trên 30 chỗ ngồi). Bài chuyển hướng kiểu này tôi bị thầy giáo xách tai nhiều nhất.
Từ trong nhà ra đường quốc lộ phải bật xi nhan, nếu là rẽ phải thì phải đi số 1 để lên mớp đường (hoặc đường ray xe lửa) để xe không bị chết máy giữa đường, hoặc bị trôi ngược. Quan sát hai phía, đặc biệt là bên trái, nếu không có người và xe thì mới cho xe ra từ từ và chuyển dần sang phải theo chiều đi. Ước lượng chiều dài chiếc xe để có thể cho xe lên quốc lộ với bán kính quay vòng là nhỏ nhất. Tuyệt đối không cho xe ra vuông góc với quốc lộ (đây là lỗi tôi hay bị thầy giáo xách tai).
Nếu rẽ trái, phải quan sát hai phía đặc biệt là bên trái, cho xe chuyển dần sang trái, đến giữa tâm đường phải quan sát kỹ tình hình giao thông phía bên tay phải, khi thật sự an toàn mới cho xe nhập làn chứ tuyệt đối không cho xe ra vuông góc.
Việc chuyển hướng quay đầu thường gây cản trở giao thông cho người và các phương tiện khác đang lưu thông trên đường. Lái xe phải biết giảm hẳn tốc độ, quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường, xe ưu tiên, xe chạy trên đường ưu tiên, hoặc đường chính từ bất cứ hướng nào tới… Chỉ được chuyển hướng, quay đầu ở những nơi đường giao nhau, nơi có biển cho phép quay đầu.
Chúc các bạn lái xe an toàn.