Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư. Dự thảo đề cương của Bộ Tư pháp đã bổ sung quy định chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn 5 hoặc 10 năm và có thể được xem xét gia hạn hoặc cấp lại khi đủ điều kiện quy định (Điều 17).
Trong dự thảo báo cáo đánh giá tác động, Bộ Tư pháp cho rằng cần quy định làm rõ giá trị của chứng chỉ hành nghề luật sư. Theo đó, để hành nghề, luật sư phải có chứng chỉ hành nghề luật sư, đồng thời bổ sung quy định về thời hạn có giá trị của chứng chỉ hành nghề luật sư là 5 năm hoặc 10 năm. Quy định này vừa bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế vừa sàng lọc đội ngũ luật sư bảo đảm tiêu chuẩn về bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp luật sư; đồng thời sẽ giúp cơ quan quản lý rà soát, tránh hiện tượng luật sư “ảo” - không hành nghề.
Theo Bộ Tư pháp, với quy định mới về thời hạn chứng chỉ hành nghề luật sư, sẽ cần xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý luật sư để khi hết thời hạn quy định, luật sư có thể tiếp tục được gia hạn chứng chỉ hành nghề theo thủ tục đơn giản nhất.
Đề xuất này không phù hợp
Bình luận về đề xuất này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng đề xuất này không phù hợp.
Luật sư Hậu phân tích: Đối với các trường hợp luật sư có hành vi vi phạm hoặc không đủ các điều kiện theo quy định, thì đã có đầy đủ cơ chế, quy định, quy trình cụ thể về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật tại Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật Ban hành kèm theo Quyết định số 50/QĐ-HĐLSTQ ngày 8-3-2023 của Hội đồng Luật sư toàn quốc Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các quy định pháp luật hiện hành.
Đơn cử như theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà luật sư bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức sau: khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên đoàn luật sư từ 6 tháng đến 24 tháng, xóa tên khỏi danh sách luật sư của đoàn luật sư. Bên cạnh đó, tại Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật năm 2023 cũng đã quy định cụ thể về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật khi luật sư vi phạm.
Cạnh đó, theo LS Hậu, nghề luật sư là nghề làm việc suốt đời; việc cấp phép là cơ chế xin cho; do đó không nên quy định thời hạn chứng chỉ hành nghề luật sư.
Không nên quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư
Gửi văn bản góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư đến Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng trong xu thế cải cách tư pháp, cải cách hành chính thì không nên quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư.
Bởi hiện nay, ngay cả nhiệm kỳ của thẩm phán cũng đang được cân nhắc bổ nhiệm cho đến khi về hưu.
Nhiều phiền phức cho luật sư
Luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam) thì cho rằng việc đặt ra quy định chứng chỉ hành nghề luật sư chỉ có hiệu lực trong một thời hạn nhất định sẽ vừa gây khó khăn cho luật sư mà cũng không làm tốt hơn các biện pháp quản lý nhà nước.
Đầu tiên là sẽ thêm thủ tục hành chính phiền hà cho luật sư, thêm việc cho cơ quan nhà nước khi thực hiện cấp lại (hoặc gia hạn) chứng chỉ hành nghề luật sư.
Thứ hai là sẽ tạo ra bất ổn, rắc rối, không thuận lợi cho luật sư khi hành nghề. Luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong các vụ án; tham gia tư vấn, làm việc cho khách hàng, mà chứng chỉ hành nghề luật sư sắp hết hạn thì chắc chắn phát sinh rất nhiều khó khăn. Xét về về tâm lý, khách hàng sẽ không yên tâm khi nhờ một luật sư có tình trạng chứng chỉ hành nghề luật sư sắp hết hạn sử dụng.
Còn đối với các cơ quan tố tụng, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với một luật sư có chứng chỉ hành nghề luật sư sắp hết thời hạn hiệu lực thì khả năng cũng sẽ yêu cầu luật sư cung cấp thêm các thủ tục chứng minh về cấp đổi, gia hạn chứng chỉ hành nghề luật sư...
Hoặc vì lý do nào đó trong khâu thủ tục cấp đổi, gia hạn, chuyển phát khiến luật sư không nhận được kịp thời văn bản cấp lại hoặc gia hạn chứng chỉ trong khi ngày xét xử cận kề, công việc cho khách hàng sắp đến hạn... thì sẽ gây khó khăn cho luật sư khi hành nghề.
Tăng cường quản lý nhà nước đối với luật sư thay vì giới hạn số năm cấp chứng chỉ
Vấn đề 'có nên quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư hay không' đã được đề cập, bàn bạc, thảo luận nhiều. Cuối cùng, Nhà nước đã thống nhất là chứng chỉ hành nghề luật sư có giá trị lâu dài và quy định trong Pháp lệnh Luật sư, Luật Luật sư qua các thời kỳ. Quy định hiện hành đang phù hợp, vận hành tốt thì cần duy trì ổn định, không nên thay đổi.
Tôi đã 3 nhiệm kỳ làm chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An và suốt 3 nhiệm kỳ là ủy viên Ban Thường vụ - chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tôi không thấy có vướng mắc nào trên thực tế đối với việc 'chứng chỉ hành nghề luật sư có giá trị lâu dài.
Một người đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư muốn hành nghề luật sư còn bắt buộc thêm các điều kiện khác như: phải gia nhập một đoàn luật sư, tham gia một trong các hình thức hành nghề luật sư... Họ còn phải chịu cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát của Đoàn luật sư, Sở Tư pháp, Tổ chức hành nghề luật sư... Vì vậy, việc đánh giá hiệu lực của chứng chỉ hành nghề luật sư còn được xem xét qua các cơ chế quản lý, chứ không cần thiết phải giới hạn thời hạn hiệu lực của chứng chỉ này.
Do đó, theo tôi, để tăng cường công tác quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đối với các chứng chỉ hành nghề luật sư đã cấp, trong Bản chính chứng chỉ hành nghề luật sư chỉ cần ghi thêm ở phần cuối (có thể tại mặt sau) để mặc định và loại trừ về hiệu lực của chứng chỉ hành nghề luật sư. Ví dụ, có thể ghi thêm nội dung như: Chứng chỉ hành nghề luật sư này có giá trị lâu dài; chứng chỉ hành nghề luật sư này sẽ không còn giá trị và phải bị thu hồi chỉ trong những trường hợp...
Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam