Mới đây, Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Việt Nam), có văn bản kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng cho phép Grab tiếp tục được triển khai hoạt động tại đây.
Theo đại diện Grab, việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã được Thủ tướng, Bộ GTVT thông qua. Tuy nhiên, ngày 21-11-2016, Sở GTVT TP Đà Nẵng có văn bản gửi Grab VN yêu cầu dừng ngay việc ký hợp đồng với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Đà Nẵng lấy lý do cấm Grab vì phá vỡ quy hoạch taxi nhưng chuyên gia cho rằng Grab chỉ cung cấp dịch vụ với các xe nằm trong quy hoạch. Ảnh: LÊ PHI
UBND TP Đà Nẵng đưa ra lý do là việc triển khai ứng dụng Grab không phù hợp với quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi tại TP. Cụ thể, việc triển khai Grab tại Đà Nẵng thời điểm hiện tại sẽ làm tăng số lượng ô tô dưới chín chỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của taxi.
Chưa nói đến luật, theo một chuyên gia giao thông, việc UBND TP Đà Nẵng cấm Grab do đơn vị hiểu chưa đúng nguyên tắc hoạt động của Grab. Grab không phải là đơn vị kinh doanh vận tải mà chỉ là nhà cung cấp phần mềm công nghệ. Như vậy, Grab chỉ ký hợp đồng với các đơn vị vận tải đã nằm trong quy hoạch của TP Đà Nẵng.
"Có nghĩa là Grab không "đẻ" thêm số lượng xe, nên không thể nói Grab phá vỡ quy hoạch taxi của Đà Nẵng. Như vậy, lý do của TP Đà Nẵng đưa ra là thiếu thuyết phục và không đúng, nên Grab có lý khi kiến nghị lên Thủ Tướng..." - vị này nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc Sở GTVT TP Đà Nẵng căn cứ phản ánh của các đơn vị taxi trên địa bàn để yêu cầu Grab Việt Nam dừng triển khai là chưa thỏa đáng vì việc này có thể chưa thực sự phù hợp với tinh thần của Luật Cạnh tranh...