Đà Nẵng cấm grab: Tư duy thiếu logic!

Nhớ cách đây vài năm, các ứng dụng điện thoại, tin nhắn trên Internet ra đời (như Viber, Zalo…) khiến doanh thu của các hãng viễn thông sụt giảm nghiêm trọng. Có hãng vừa mới đầu tư rất lớn cho hệ thống trạm thu phát sóng và phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn.

Chẳng ông lái trâu nào thích máy cày

Các hãng viễn thông đã tìm cách chống lại sự phát triển của các ứng dụng này. Điển hình như việc nhiễu chặn tin nhắn mã số kích hoạt tài khoản của Viber, gây khó khăn cho người dùng khi muốn đăng ký tài khoản. Đỉnh điểm, nhiều hãng đã có ý tưởng đề nghị Bộ TT&TT có chính sách hạn chế các ứng dụng điện thoại, tin nhắn Internet. Nên lưu ý các hãng viễn thông của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp (DN) nhà nước rất lớn và có lợi thế trong việc thuyết phục các cơ quan nhà nước. Nhiều cuộc họp giữa Bộ TT&TT và các hãng viễn thông đã diễn ra. Nhưng rất may mắn là thời điểm đó, Bộ TT&TT nhận định đây là sự phát triển của khoa học công nghệ. Khi công nghệ mới ra đời, người nào đã trót đầu tư lớn vào công nghệ cũ dẫn đến thua lỗ thì buộc phải chấp nhận cuộc chơi của thị trường.

Những câu chuyện về sự ra đời của công nghệ mới và lực cản từ những cái cũ kỹ không phải hiếm xảy ra trên thế giới. Chúng ta ai cũng đã từng được nghe về chuyện công nhân đập phá máy móc vì cho rằng nó đã cướp đi công việc của họ. Đương nhiên chẳng ông lái trâu nào thích sự ra đời của máy cày, cũng không có ai bán nến mà thích Edison phát minh ra bóng đèn điện.

Quy định cấm GrabCar của TP Đà Nẵng khiến người dân mất một dịch vụ để lựa chọn. Ảnh: H.TRÂM

Ngăn cản DN mới

Nhưng có lẽ chính quyền Đà Nẵng đã quên mất những bài học lịch sử đó. Gần đây dư luận chú ý đến quyết định của Sở GTVT TP Đà Nẵng áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn các ứng dụng tìm xe như GrabCar hay Uber. Cơ quan này đưa ra hai lập luận chính: (1) Đây thực chất là taxi chứ không phải xe hợp đồng; (2) Đà Nẵng đã có quy hoạch taxi và việc thêm xe của Grab sẽ phá vỡ quy hoạch này. Tất cả lập luận này đều có phần đúng theo quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP về vận tải ô tô. Nhưng rõ ràng không ai có thể phủ nhận những ưu điểm của Grab hay Uber. Vậy phải chăng chúng ta đang áp những tư duy của cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Nghị định 86 phân loại việc chở khách bằng ô tô thành  (1) xe tuyến cố định, (2) xe buýt, (3) xe taxi, (4) xe hợp đồng và (5) xe du lịch. Khi Grab và Uber xuất hiện, các cơ quan nhà nước lúng túng, không biết nên phân nó vào loại nào trong năm loại trên, cụ thể là taxi hay xe hợp đồng. Đến đây, chúng ta sẽ nhận thấy một cách tư duy thiếu logic. Chắc gì năm loại trên đã bao quát toàn bộ hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô để mà cứ cố phải nhét nó vào một loại nào đấy. Người ta bảo cách làm này là “tư duy đóng”. Nghĩa là người dân và DN chỉ được làm những gì mà pháp luật đã liệt kê ra dù quả thật đã lỗi thời nhưng vẫn tồn tại. Việc mở ra một hình thức vận tải hành khách mới là điều mà Bộ GTVT còn gặp khó, vậy nên mới có việc thí điểm tại Quyết định 24. Vậy nhưng tư duy đóng đó vẫn còn tồn tại ở Đà Nẵng.

Cần bỏ tư duy đóng

Quy hoạch taxi mà Đà Nẵng nêu ra cũng là một cách làm lỗi thời. Nó chẳng khác nào việc áp đặt: “Nhu cầu về đi lại bằng taxi của người dân chỉ được thế này thôi, ai có nhu cầu cao hơn thì tự tìm cách khác, Nhà nước không cho đi taxi nữa”. Đây là một cách để ngăn cản DN mới gia nhập thị trường, ngăn cản DN thu hút thêm khách hàng để mở rộng kinh doanh, từ đó làm mất động lực giảm giá.

Chuyện các hãng taxi câu kết, thỏa thuận giá không còn là chuyện mới. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, chủ tịch một hiệp hội taxi kiêm giám đốc một công ty taxi nói: “Sau khi thảo luận với các thành viên, chúng tôi quyết định vẫn giữ nguyên mức cước phí hiện nay...”. Như vậy thì các DN đã công khai vi phạm quy định “thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” của Luật Cạnh tranh năm 2004.

Sở GTVT TP Đà Nẵng nói không cấm cản GrabCar?

Ngày 8-3, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã có thông tin giải trình về việc cấm cản GrabCar. Sở này cho biết cho đến thời điểm này, chủ trương, quan điểm của TP Đà Nẵng trong việc triển khai thí điểm ứng dụng GrabCar là không ngăn cản, không cấm quyền tự do kinh doanh của các DN. TP đang chờ ý kiến của Bộ GTVT và các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện việc thí điểm ứng dụng GrabCar.

Theo giải trình, sở này vẫn cho rằng về cơ bản loại hình kinh doanh vận tải này có hoạt động tương tự loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi, khi đưa vào hoạt động sẽ làm gia tăng số lượng xe được cấp phép hoạt động theo quy hoạch của TP đã phê duyệt. Trong khi đó, Chính phủ, Bộ GTVT chưa có quy định để cho địa phương quản lý loại hình hoạt động này một cách chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đang được ổn định trên địa bàn TP.

Sở GTVT TP Đà Nẵng cho rằng trong khi chờ ý kiến của Bộ GTVT về việc triển khai thí điểm GrabCar tại TP Đà Nẵng thì Công ty TNHH GrabTaxi tiếp tục quảng cáo, kêu gọi nhà đầu tư đưa phương tiện tham gia hoạt động GrabCar gây mất trật tự vận tải, an toàn giao thông. Vì vậy, Ban An toàn giao thông có công văn giao các sở, ngành liên quan triển khai các giải pháp ngăn chặn.

LÊ PHI

Quốc hội đang bàn chuyện Luật Quy hoạch nên những thứ quy hoạch ngành, sản phẩm đang được nghiên cứu bãi bỏ. Bởi nó là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường, hậu quả lớn hơn hiệu quả. Đó là tư duy của kế hoạch hóa tập trung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm