“Bộ GTVT chỉ cho phép triển khai thí điểm GrabCar ở một số nơi, trong đó có Đà Nẵng mà không triển khai đại trà. Việc thí điểm này chỉ diễn ra trong hai năm (từ tháng 1-2016 đến tháng 1-2018) để đánh giá kết quả. Như vậy, Đà Nẵng chỉ là địa phương được Bộ cho phép triển khai thí điểm chứ không phải là “quy định” Đà Nẵng “phải” triển khai loại hình kinh doanh vận tải hành khách này”. Ngày 7-3, ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết như trên xung quanh việc TP đề nghị tạm thời chưa triển khai thí điểm dịch vụ GrabCar (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin).
Bất cập về pháp lý, chính sách
. Phóng viên: Việc thí điểm dịch vụ GrabCar có gì khó khăn mà tại sao Đà Nẵng lại không hào hứng với chương trình này, thưa ông?
+ Ông Bùi Thanh Thuận: Chúng tôi cho rằng việc Bộ GTVT chủ trương “triển khai thí điểm” là do bên cạnh những ưu điểm, Bộ đã lường đến tình huống có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập.
Qua theo dõi, đối chiếu từ nhiều nguồn, nhiều khía cạnh, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề tồn tại, bất cập, cụ thể:
Về mặt pháp lý: Bản chất của GrabCar là vận tải hành khách bằng taxi. Trong khi hình thức kinh doanh này lại theo dạng hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Như vậy, việc không rõ ràng về pháp lý nói trên thì rất khó kiểm tra điều kiện kinh doanh theo quy định. Bởi điều kiện kinh doanh taxi và xe hợp đồng là khác nhau.
GrabCar được nhiều người dân lựa chọn nhưng đang bị cấm ở Đà Nẵng. Ảnh: HOÀI AN
Về mặt chính sách: Hiện nay TP đang quản lý hoạt động kinh doanh taxi thông qua các quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi cũng như quy hoạch taxi phát triển số lượng xe theo từng giai đoạn. Nếu triển khai phần mềm Grab (hay phần mềm tương tự) thì đồng nghĩa với việc khuyến khích mọi người tham gia vào hoạt động kinh doanh taxi không theo các quy định pháp luật.
Việc này vừa tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng của thị trường vận tải hành khách bằng taxi, vừa vô tình vô hiệu hóa các quy hoạch, quy định đã ban hành… Ngoài ra, có thể sẽ phát sinh một số việc như các hãng taxi sẽ chuyển loại hình kinh doanh xe hợp đồng để được hưởng các ưu đãi tương tự hoặc sẽ phá sản dẫn đến lợi thế độc quyền kinh doanh…
Tất cả vấn đề trên đều sẽ tạo nên những tình huống khó lường trong quản lý hoạt động kinh doanh và ổn định xã hội.
Không thiên vị ai cả
. Những tình huống khó lường đó cụ thể là như thế nào?
+ Việc phát triển loại hình kinh doanh GrabCar hoặc tương tự sẽ không làm giảm ùn tắc giao thông mà còn có thể dẫn đến tăng nguy cơ ùn tắc giao thông trong đô thị. Đây là một thực tế (qua thông tin từ báo chí) sau một thời gian triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM.
Ngoài ra sẽ có hiện tượng “Uber chui” do chưa được Bộ GTVT cho phép hoạt động thí điểm.
Việc phát triển loại hình kinh doanh vận tải này nếu không đảm bảo được sự cạnh tranh công bằng với taxi truyền thống có thể dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh taxi phá sản. Nó cũng dễ dẫn đến tình trạng độc quyền chi phối giá cũng như thị trường vận tải hành khách. Hiện nay các loại hình “taxi Grab” đã tự điều chỉnh mức cước tùy thuộc vào thời gian, thời tiết, bãi đậu xe… nhưng chưa có cơ quan nào kiểm soát được.
. Vậy hướng sắp tới của TP là thế nào, thưa ông?
+ Bộ GTVT chỉ mới cho phép “thí điểm” nghĩa là bên cạnh những ưu điểm đã thấy vẫn có thể có những khuyết điểm, tồn tại mà qua quá trình triển khai mới bộc lộ ra. Với mục tiêu đảm bảo hài hòa giữa lợi ích người dân, lợi ích chung và lâu dài của toàn xã hội, không để phát sinh những tồn tại, bất cập không đáng có trên địa bàn. TP mong muốn việc áp dụng loại hình kinh doanh này sau khi Bộ GTVT, các cơ quan có liên quan đánh giá kết quả và có quy định cụ thể.
Hiện nay TP đang chờ ý kiến của Bộ GTVT cũng như các văn bản quy định cụ thể hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng GrabCar để giao các sở, ngành liên quan làm việc với Công ty TNHH GrabTaxi triển khai thực hiện.
. Cũng đang có ý kiến cho rằng việc chặn hình thức kinh doanh Grab và Uber của Sở GTVT TP là hình thức không quản được thì cấm và đang thiên vị cho taxi truyền thống?
+ Theo các nội dung tôi đã nói ở trên thì có thể khẳng định ý kiến trên là hoàn toàn không chính xác.
. Xin cám ơn ông.
Việc thí điểm GrabCar hay không là quyền của Đà Nẵng Ngày 7-3, trả lời Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết vừa qua Chính phủ cho phép thí điểm GrabCar tại năm tỉnh (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa). Theo đó, các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để triển khai, Bộ GTVT không ép buộc. “Như vậy, nếu Đà Nẵng muốn triển khai thí điểm thì giữa tỉnh và Grab phải có sự thống nhất với nhau để thực hiện. Ngược lại, Đà Nẵng xét thấy thời điểm hiện nay chưa thích hợp để triển khai thí điểm dịch vụ GrabCar, đó là quyền của Đà Nẵng…” - ông Trường khẳng định. Cũng theo ông Nguyễn Hồng Trường, quy định thí điểm không cứng nhắc: “Vì việc thí điểm bao giờ cũng có cái tốt và có cái chưa phù hợp với từng địa phương. Vì vậy các tỉnh có quyền đưa ra lựa chọn phù hợp cho tỉnh mình” - ông Trường nhấn mạnh. VIẾT LONG |