Uber và Grab doanh thu khủng nhưng đóng phí nhỏ giọt

 “Hiện doanh nghiệp taxi truyền thống đang phải gánh thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Trong khi đó Grab, Uber chỉ nộp thuế giá trị gia tăng 0,6% trên tổng doanh thu chung. Đối với các cá nhân là đối tượng trực tiếp của loại hình xe hợp đồng điện tử cũng áp dụng thuế VAT là 3% và 1,5% thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được hưởng. Hiện tại đối tượng này đang hưởng 80% doanh thu. Như vậy các cá nhân này nộp thuế VAT là 2,4% và 2,1% thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng doanh thu chung…”.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, thông tin như trên tại hội thảo đổi mới quản lý hoạt động taxi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi của hành khách đi xe taxi, do Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức ngày 23-2.

Tính thuế thiếu công bằng

Ông Tạ Long Hỷ cho rằng cách tính trên là thiếu công bằng cho taxi truyền thống. Vì vậy, ông Hỷ kiến nghị nên áp dụng thống nhất chính sách thuế cho taxi truyền thống và xe Uber, Grab.

“ Trong tình hình kinh doanh chung đang gặp khó khăn như hiện nay, chúng tôi mong muốn thuế VAT của các doanh nghiệp kinh doanh taxi và Grab, Uber nên ở mức 5%. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp taxi xem xét giảm cước và đem lại niềm vui cho khách hàng…”- ông Hỷ nhấn mạnh.

Theo ông Trương Đình Quý, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), Uber và Grab không những lách luật để được hưởng thuế thấp mà còn tìm cách trốn thuế, làm thất thu cho ngành thuế.

Theo thông báo của Tổng Cục thuế, số thuế phải thu của Uber trong hai năm 2014 và 2015 là 19 tỉ đồng. Trong khi đó, Grab, Uber 15.000 xe kinh doanh trên toàn quốc. Nếu so sánh với Vinasun với hơn 6.000 xe thì thuế VAT phải nộp cho ba năm (2014 đến 2016) là 692 tỉ đồng.

“Qua đó, chúng ta có thể thấy Ngân sách nhà nước thất thu rất lớn và việc không quản lý để thất thu thuế là điều không công bằng cho taxi truyền thống. Như vậy thử hỏi taxi truyền thống có thể giảm giá để cạnh tranh trên con số thất thu thuế khổng lồ như vậy hay không…”- ông Quý nói.

Hội nghị với nhiều ý kiến cho rằng không kiến nghị dừng hoạt động Uber, Grab nhưng phải cạnh tranh công bằng. Ảnh: VIẾT LONG

Bà Cao thị Thanh Lan, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài Chính, cho rằng cách tính thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật. Không có sự khác biệt giữa doanh nghiệp nộp thuế kê khai hay doanh nghiệp nộp thuế ấn định trên doanh thu. “Nếu chỉ nhìn mức thuế 3% hay 10% để nói 3% nhỏ hơn rất nhiều 10% là không đúng vì doanh nghiệp nộp thuế 10% còn được khấu trừ thuế VAT từ đầu vào như chi phí nhà xưởng, mua sắm tài sản cố định…”- bà Lan khẳng định.

Thất thu thuế mấy năm trời

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, khẳng định về vấn đề thuế sẽ trực tiếp làm việc với Bộ Tài Chính để xem việc tính thuế trên đã công bằng chưa. “Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định với Tổng Cục thuế là chúng ta đang thất thu thuế rất lớn với Uber và Grab…”- ông Thanh nhấn mạnh.

Về các điều kiện kinh doanh, ông Thanh cho rằng Uber và Grab phải hoàn thiện những thủ tục tương đồng với taxi truyền thống. “Nếu không chúng tôi sẽ kiến nghị với các cơ quan pháp luật nhà nước để xử lý. Không thể để Uber hoạt động chui, trốn thuế như bao nhiêu năm qua… Chúng tôi không kiến nghị dừng hoạt động của Uber nhưng buộc Uber phải hoàn thiện yêu cầu về điều kiện kinh doanh vận tải…”- ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng yêu cầu các đơn vị taxi truyền thống cần đổi mới hệ thống kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ để hạ giá thành nhằm cạnh tranh tốt hơn. “Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị có cần hạn chế số lượng xe taxi không, vì hiện nay Uber, Grab thì tăng số lượng xe mà taxi truyền thống thì bị khống chế. Không thể để một người thì tự do bay nhảy, một người thì buộc chặt, kiểm soát…”- ông Thanh khẳng định.

 

Taxi Grab và Uber được lợi nhiều bề

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, Grab và Uber hầu như không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào, trong khi hoạt động taxi truyền thống phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện, như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị…. và chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và gắn liền với nó là hàng loạt thuế phí nảy sinh.

Sớm điều chỉnh để cạnh tranh công bằng

Theo PGS,TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, hiện Chính phủ đã đồng ý cho Grab thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Thời gian thí điểm là 2 năm nhưng đến nay đã được hơn một năm. Cần có sự khảo sát, đánh giá sơ bộ về mục tiêu, điều kiện tham gia, nội dung hợp đồng, công việc và trách nhiệm của các đơn vị tham gia thí điểm để khi kết thúc thời gian thí điểm có những kết luận đưa ra một cách có căn cứ, và là tiền đề quan trọng để xây dựng cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đồng thời, xem xét những hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà taxi truyền thống đưa ra để có những điều chỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm