Giãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp: Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ!

(PLO)- Những đòi hỏi từ thực tế về các giải pháp mạnh hơn, đủ liều hơn như điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, bảo vệ môi trường… vẫn cần đặt ra, dù nó thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một lần nữa, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2023. Tổng số tiền gia hạn lên tới hơn 110.000 tỉ đồng.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói đây là một chính sách cần thiết, dù đã được lặp đi lặp lại trong vài năm gần đây. Chính sách này có thể giúp người dân, doanh nghiệp (DN) có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh năm 2023 được dự báo vẫn đầy rẫy những khó khăn, thách thức, bất ổn khó lường.

Đương nhiên, việc giãn thuế không phải là tất cả. Năm 2022, ngoài số thuế được gia hạn thì số thuế, phí được miễn, giảm lên đến 233.000 tỉ đồng. Con số này, vẫn theo lời Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đã góp phần đáng kể làm giảm bớt khó khăn cho người dân và nhà kinh doanh.

Tuy nhiên, việc giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước… có thể vẫn là chưa đủ. Những đòi hỏi từ thực tế về các giải pháp mạnh hơn, đủ liều hơn như điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, bảo vệ môi trường… vẫn cần đặt ra, dù nó thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Nhưng trong khi những giải pháp ấy có thể vẫn đang dừng lại ở “ý tưởng chính sách” hoặc đề xuất của chuyên gia thì việc giãn thuế còn cần sự hỗ trợ ở nhiều phía. Vì chính sách giãn, hoãn thuế… có thể sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa đối với phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân lẫn DN nếu các ngành, lĩnh vực khác không chung tay.

Ngay hôm qua, nhiều DN và chuyên gia đã phải than rằng: Nếu lãi suất cho vay cao 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao DN sống được? Thủ tướng khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước cũng như khi ban hành Chỉ thị 03/2023 đã yêu cầu cơ quan này phải linh hoạt điều hành, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định lãi suất, chứ chưa nói tới hạ lãi suất.

Lãi suất nếu vẫn ở mức cao như vậy thì hẳn nhiên vốn, chi phí cho sản xuất, kinh doanh của DN và người dân sẽ gặp khó khăn. Nếu không tiếp cận được vốn hoặc phải trả lãi quá cao thì sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp, thậm chí là đình đốn.

Điểm tựa về “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” vẫn đang có những nút thắt. Rồi nữa khung giá điện đã được Chính phủ quyết, giá điện bán lẻ rồi sẽ tăng chắc hẳn khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tới đây sẽ bị tác động.

Như vậy, nếu không có những “tiết giảm chi phí” không chỉ ở lĩnh vực ngân hàng thì “một thời kỳ khó khăn” sắp tới là điều khó tránh khỏi. Khi đó, việc giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất có thể được kéo dài nhưng tác động tích cực của nó đối với nền kinh tế không thể như kỳ vọng hoặc như năm 2022.

Nói như thế để thấy rằng định hướng hỗ trợ người dân và DN dù đúng đắn đến đâu cũng phải đồng bộ. Các ngành, các cấp, các lĩnh vực đều phải thực hiện, thậm chí đến mức “thắt lưng buộc bụng”. Bởi vì nếu chỉ giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất… thôi là chưa đủ!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm