Trong bài bình luận đăng trên Reuters ngày 16-5, cây bút Vikram J. Singh viết ý đồ của Trung Quốc khi đưa trái phép giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam là muốn đặt Việt Nam vào tình thế thua hoàn toàn.
Điểm yếu trí mạng
Theo ông Singh, nếu Hà Nội nhắm mắt làm ngơ, Bắc Kinh sẽ được nước lấn tới trong các yêu sách chủ quyền trên biển Đông. Nếu Việt Nam kháng cự thì lực lượng thực thi pháp luật trên biển bị kéo vào một cuộc so kè kéo dài và tốn kém. Và những cuộc tuần hành tự phát trên đất liền sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài “cuốn gói” khỏi Việt Nam.
Đó là toan tính của Trung Quốc nhưng chính mưu đồ thâm hiểm này cũng vạch trần “gót chân Achilles” của nước này, theo GS Allen R. Carlson của Trường ĐH Cornell (Mỹ).
“Đông Nam Á là nơi có đông người Trung Quốc sinh sống và ngày càng nhiều công dân Trung Quốc đòi hỏi chính phủ bảo đảm an toàn cho cả người dân trong nước lẫn ở nước ngoài” - ông Carlson viết. Trước sự kiện tại Việt Nam, ở Indonesia cũng nổ ra làn sóng bài người Trung Quốc vào năm 1998. Chính phủ Bắc Kinh lúc đó bất lực nên bị người dân trong nước chỉ trích nặng nề.
Cũng theo ông Carlson, nếu nhà cầm quyền Trung Quốc chọn cách trả đũa mạnh tay thì đối tượng bị trút giận cuối cùng vẫn là người Trung Quốc ở nước ngoài. “Giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không thực hiện những hành động có thể dẫn đến hậu quả khó lường” - GS Carlson phỏng đoán.
TTXVN dẫn lời ông Anton Svetov, chuyên viên điều phối các chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Hội đồng Đối ngoại Nga, nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc đang trong tình thế khó khăn.
Một mặt, Bắc Kinh phải giữ thể diện của một cường quốc có khả năng áp chế láng giềng song mặt khác, khó có quốc gia nào trên thế giới ủng hộ hành động này của Trung Quốc. Nói cách khác, thuyết “trỗi dậy hòa bình” sớm muộn gì cũng phá sản, kéo theo các hậu quả tiêu cực cho chính Bắc Kinh.
Cứng rắn nhưng thiếu khôn ngoan
Theo tác giả Vikram J. Singh, có 2 lý do khiến giới lãnh đạo Trung Quốc một mực lấn tới trên biển Đông. Một là, muốn “dạy cho các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á nên nghe lời hơn là kháng cự”. Hai là, Trung Quốc biết rõ đường chín đoạn - căn cứ quan trọng nhất mà nước này dựa vào trên biển Đông - không có cơ sở vững chắc theo luật pháp quốc tế hiện đại nên muốn ra tay trước bằng biện pháp cưỡng bách và đe dọa.
“Chiến lược này cứng rắn nhưng không khôn ngoan. Các hành động của Trung Quốc tiềm ẩn mối nguy cơ lớn, gây xung đột giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của chính Trung Quốc” - ông Singh nhấn mạnh.
Các cuộc vờn đuổi quanh giàn khoan Hải Dương - 981 hiện nay dễ dàng bùng nổ thành xung đột nếu xảy ra một tính toán sai lầm. Trung Quốc chắc chắn không hưởng lợi gì từ xung đột ở châu Á, nhất là khi nước này bị chỉ trích làm ảnh hưởng đến hòa bình và tiến bộ của châu lục. Ông Singh kết luận: “Bắc Kinh tưởng lửa sẽ chỉ thiêu cháy đối thủ của họ. Nhưng họ lầm rồi”.
Ông Alexay Fenenko, phó giáo sư tại Học viện Ngoại giao Nga, nhấn mạnh thêm nguy cơ đối với Trung Quốc. Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông nói: “Trung Quốc không hề có một láng giềng tốt đúng nghĩa bởi với nước nào Trung Quốc cũng có xung đột lãnh thổ, vòng từ trái qua phải lần lượt là Ấn Độ, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Nga, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Rõ ràng, khi có vấn đề với tất cả láng giềng thì Bắc Kinh phải xem lại mình”.
Theo ông Fenenko, vấn đề biển Đông không phải quá khó để giải quyết nhưng vướng mắc cơ bản là ở lập trường “tất cả thuộc về Trung Quốc, các nước xung quanh không có gì”. “Trong trường hợp Trung Quốc không rút giàn khoan, Việt Nam hoàn toàn có thể cưỡng chế hành vi trái phép này bằng biện pháp mạnh. Nếu vậy, trước hết, Mỹ sẽ ủng hộ; Nga, Nhật, Philippines và cộng đồng quốc tế cũng có tiếng nói đồng thuận” - ông Fenenko nhận định.
Theo HẢI NGỌC/Người lao động