Những thành công của truyền thông Trung Quốc
Nhìn vào bầu không khí chống Nhật dâng cao ở Trung Quốc khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (tên Trung Quốc: Điếu Ngư), người ta có thể thấy được phần nào kết quả của truyền thông Trung Quốc trong việc giáo dục, định hướng người dân về mệnh đề “chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư”.
Biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc nhanh chóng biến thành hành động đập phá tập thể khó kiểm soạt |
Càng sục sôi với Nhật bao nhiêu, người Trung Quốc càng phấn khích với những lời tuyên bố mạnh miệng của quan chức Bắc Kinh bấy nhiêu, bất chấp truyền thông thế giới có bình luận về thái độ “hung hăng” của Trung Quốc đi chăng nữa.
Cơn sốt “chủ quyền Điếu Ngư” và lòng yêu nước, về một mặt nào đó, đã tạo ra một cơ hội vàng, không chỉ để cho giới chức Bắc Kinh tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, hướng dư luận ra biển để quên đi những mẫu thuẫn trong đất liền, mà còn là cơ hội cho nhiều lĩnh vực khác.
Bất kể thứ gì liên quan đến Điếu Ngư đều “gây sốt” và được ủng hộ: những doanh nghiệp nhanh chóng phát động “dùng hàng nội địa là yêu nước”: những người nổi tiếng đưa “chủ đề Điếu Ngư” vào đoạn mào đầu trong các chương trình biểu diễn để câu khách kiếm doanh thu, những doanh nhân giàu có không ngại “chi tiền để quảng cáo về chủ quyền Điếu Ngư” trên báo Mỹ và thậm chí còn nhắm tới cả quảng cáo trên báo Nhật.
Bằng sức mạnh truyền thông, Trung Quốc đã đạt được mục đích tuyên truyền “chủ quyền biển đảo” đến sâu rộng người dân trong nước và các Hoa kiều ở nước ngoài, tạo nên một cơ sở vững chắc về sức mạnh đoàn kết nội bộ trong hướng giải quyết vấn đề trên biển Hoa Đông.
Đối với quốc tế, Trung Quốc đã phần nào thành công khi khiến cả thế giới phải hướng về tranh chấp trên biển Hoa Đông. Và chính khi đó, Trung Quốc cố gắng phát huy sức mạnh của tiền bạc và quyền lực mềm để tác động đến dư luận quốc tế theo hướng có lợi cho mình.
Ngoài việc bạo chi để đăng quảng cáo một cách lộ liễu về chủ quyền trên New York Times và Washington Post, Trung Quốc còn "bằng cách này hay cách khác", mua chuộc các tờ báo lớn để đăng bài khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư cho mình, điển hình là bài viết trên The Guardian (Anh).
Bài báo "Quần đảo Điếu Ngư - một phần lãnh thổ kế thừa của Trung Quốc" |
Ngoài ra, "Bắc Kinh còn biết lôi kéo sự ủng hộ của các quốc gia có quan hệ thân thiết với Trung Quốc lên tiếng “bảo vệ chủ quyền” cho Trung Quốc, điển hình là Pakistan.
Cùng với đó, Trung Quốc liên tục đẩy mạnh các bài viết về Điếu Ngư trên các trang báo tiếng Anh của mình như China Daily, CCTV, Xinhuanet.com, Global Times… Đây chính là nguồn cho nhiều cơ quan báo chí nước ngoài khai thác, trích dẫn khi làm các bản tin tổng hợp về tình hình tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Không chỉ làm “truyền thông chính thống”, Trung Quốc có vẻ như đã không bỏ ngỏ các mặt trận khác như truyền thông xã hội (các cộng đồng lớn như Youtube hay các diễn đàn mang tính học thuật như TED.com) hay tham gia bình luận, tranh cãi trên các bài báo quốc tế nổi bật về tranh chấp chủ quyền ở Hoa Đông.
Chỉ bằng một vài thao tác tìm kiếm đơn giản, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những video clip, bài viết, chủ đề tranh luận rất bài bản về “chủ quyền Điếu Ngư/Senkaku” bằng tiếng Anh với những lập luận ủng hộ Trung Quốc một cách rõ ràng, mạch lạc và chặt chẽ.
Có vẻ như, đó không phải chỉ là những bài viết tự phát của “một vài cá nhân yêu nước”. Khi nói về điểm này, chính Bộ trưởng Ngoại giao Nhật đã phải thừa nhận có chút mỉa mai: “Về tuyên truyền, chúng tôi không giỏi bằng Trung Quốc”.
Nhưng không phải chỉ toàn là "trái ngọt"
Việc cổ vũ, dung dưỡng tinh thần bài Nhật, chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở trong nước đã khiến Trung Quốc phải nhận về nhiều bài học đắng cay, cả về kinh tế, chính trị và hình ảnh, thể diện quốc gia.
"Trái đắng" của phong trào bài Nhật ở Trung Quốc |
Đồng thời, các lãnh đạo Trung Quốc đã liên tục tuyên bố “không lùi bước”, “sẽ dạy cho Nhật một bài học” và dọa “Nhật Bản phải chịu những hậu quả nặng nề” khi quốc hữu hóa Senkaku.
Nhưng sau tất cả, Senkaku vẫn được bán êm xuôi cho chính phủ Nhật và tàu Hải giám của Trung Quốc vẫn bị tàu Cảnh sát Biển của Nhật đuổi chạy tơi bời mỗi lần nhăm nhe vào vùng nước 12 hải lý của quần đảo Senkaku.
Những “lời nói không đi đôi với việc làm” Bắc Kinh đã khiến dân Trung Quốc nhiều phen ấm ức vì “mừng hụt” và dần trở nên bàng quan, chán nản trước những phát ngôn của quan chức nước này.
Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc |
“Bộ Ngoại giao ư? Hãy đổi tên bộ này thành Bộ phản đối”, một người trẻ Trung Quốc đã từng bất mãn viết trên mạng tin Sina khi bàn về các phát ngôn của Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ với nước ngoài.
Đối với dư luận thế giới, khi Trung Quốc càng to tiếng và mạnh miệng ở Hoa Đông, người ta ngày càng hoài nghi về cái gọi là “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.
Không chỉ các nước đang có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc luôn giữ tâm lý đề phòng, liên tục lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi “Trung Quốc kiềm chế” mà hầu hết truyền thông phương Tây đều nhìn Trung Quốc bằng ánh mắt e dè.
Những dòng tin liên tục về người Trung Quốc biểu tình chống Nhật, đốt phá nhà xưởng, tấn công người Nhật, kỳ thị các quốc gia láng giềng và những phát ngôn hiếu chiến của tướng lĩnh Trung Quốc khiến dư quốc tế giới mất niềm tin rằng Trung Quốc “muốn làm bạn với thế giới”, thay vào đó là tâm lý lo sợ “tư tưởng Đại Hán”.
Một mặt khác, dù có nỗ lực đến đâu, Trung Quốc có vẻ như đã, đang và sẽ là “người chơi yếm thế” so với Nhật Bản trong cuộc đua tranh giành sự ủng hộ của truyền thông phương Tây. Vì xét cho cùng, Nhật mới là đồng minh thân thiết của Mỹ và phương Tây.
Cuối cùng, cái gì quá cũng đều là không tốt. Những “thương vụ quảng cáo” quá lố của cả China Daily và tỷ phú Trung Quốc Trần Quang Tiêu trên New York Times đã khiến truyền thông thế giới phải bật cười vì sự việc chưa từng có tiền lệ.
Trần Quang Tiêu - tỷ phú yêu nước chơi ngông của Trung Quốc |
Xin được kể chi tiết khá hài hước về vụ “thể hiện lòng yêu nước” của tỷ phú Trần Quang Tiêu. Ông này cho biết, ông muốn đăng quảng cáo về Điếu Ngư trên New York Times vì theo khảo sát riêng, cứ 1.000 người Mỹ chỉ có trung bình 20 người biết đến cái tên Điếu Ngư và ông nâng con số này lên.
Thế nhưng, sau khi chi 39.000 USD cho “thương vụ cao cả” này, cái tên Trần Quang Tiêu ngay lập tức trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên New York Times. Trong trường hợp này, quảng cáo yêu nước thật là “tiện cả đôi bề” cho tỷ phú Trung Quốc.
Theo Lê Hương (Infornet)