Israel tiến thoái lưỡng nan chuyện phản đòn Iran

(PLO)- Lựa chọn kiềm chế hay đáp trả cuộc tấn công của Iran đều đặt ra thách thức khác nhau với Israel.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính đến ngày 17-4, đã hơn 3 ngày kể từ khi Iran phát động cuộc tấn công bằng hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và tên lửa vào Israel, nội các chiến tranh Israel vẫn chưa thống nhất được phương án đáp trả Iran dù đã trải qua 2 cuộc họp.

Diễn biến này là dấu hiệu cho thấy Israel đang đối mặt tình thế nan giải trong việc tìm kiếm phương án đáp trả vừa xứng tầm nhưng vừa đủ kiềm chế để không vấp phải phản ứng tiêu cực từ đồng minh cũng như cộng đồng quốc tế, theo đài CNN.

Lựa chọn khó khăn

Giới phân tích nhận định rằng Israel hiện tại có ít lựa chọn đáp trả cuộc tấn công của Iran và mỗi lựa chọn đều có cái giá của nó. Điều này đặc biệt đúng khi Israel đang bị vướng trong một cuộc chiến tàn khốc kéo dài hơn 6 tháng qua với Hamas ở Dải Gaza, cũng như đang phải đối đầu với các nhóm được Iran hậu thuẫn trong khu vực.

Mặc dù Israel được cho là đã tiến hành các hoạt động bí mật ở Iran trong nhiều năm qua, thường nhắm vào các cá nhân hoặc cơ sở mà Israel coi là mối đe dọa đối với an ninh, nhưng nước này chưa bao giờ tiến hành một cuộc tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ Iran.

Giờ đây, nếu Israel chọn tấn công trực tiếp vào Iran thì có thể sẽ khiến mọi thứ vượt tầm kiểm soát.

Israel tiến thoái lưỡng nan khi tính toán đáp trả Iran
Hệ thống phòng không Israel phản ứng trước cuộc tấn công đêm 13, sáng 14-4 của Iran vào Israel. Ảnh: REUTERS

CNN dẫn nhận định của ông Raz Zimmt - chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS, Israel): “Chúng ta chắc chắn đang ở một giai đoạn mới và một giai đoạn rất nguy hiểm trong cuộc đối đầu giữa Israel và Iran. Iran chắc chắn đã cố gắng thay đổi luật chơi với Israel và có thể sẽ có nhiều đợt tấn công trực tiếp hơn trong tương lai”.

Theo chuyên gia này, mặc dù Israel khó có thể không trả đũa nhưng nước này có thể sẽ không “tấn công quân sự toàn diện ngay lập tức nhằm vào các mục tiêu bên trong Iran” để tránh nguy cơ Iran đáp trả bằng một cuộc tấn công nghiêm trọng hơn vụ việc hôm 14-4.

“Ưu tiên của Israel là tiếp tục và tập trung vào việc đạt được các mục tiêu chính ở Gaza chứ không phải mở các mặt trận mới” - ông Zimmt nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Alon Pinkas - cựu nhà ngoại giao Israel cho rằng khó có khả năng Israel sẽ trả đũa bằng cách tấn công trực tiếp vào Iran nhưng nếu điều này xảy ra, hậu quả sẽ phụ thuộc vào các mục tiêu mà Israel chọn tấn công.

Ông Pinkas cho rằng các mục tiêu Israel có thể nhắm tới bao gồm tài sản quân sự hoặc chương trình hạt nhân của Iran. “Mỗi mục tiêu đại diện cho một mức độ leo thang khác nhau” - ông Pinkas cảnh báo.

Một quan chức Israel tiết lộ với CNN rằng trong số các lựa chọn quân sự mà giới chức Israel đang cân nhắc có phương án tấn công vào một cơ sở hạ tầng của Iran nhằm gửi thông điệp tới Tehran nhưng tránh gây thương vong. Tuy nhiên, quan chức này cho biết thêm rằng giới chức Israel sau đó kết luận phương án này quá khó thực hiện.

Sự ràng buộc từ đồng minh

Phản ứng của Israel với Iran hiện bị hạn chế vì nước này đang nằm trong một liên minh các nước tham gia bắn hạ UAV và tên lửa Iran hôm 14-4 (gồm Mỹ, Anh, Pháp và Jordan) nên quyền quyết định đáp trả không hoàn toàn do một mình Israel quyết định, theo ông Tamir Hayman - cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự của Israel.

“Liên minh này có hiệu quả và quan trọng nhưng nó sẽ hạn chế quyền tự do của Israel trong hành động để đáp trả” - ông Hayman viết trên X (trước đây là Twitter).

Phía Mỹ đã có động thái ngăn Israel đáp trả Iran. Sau vụ tấn công của Iran, các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và các thành viên cấp cao trong nhóm an ninh quốc gia Mỹ đã nói với phía Israel rằng Mỹ sẽ không tham gia vào “bất kỳ hoạt động tấn công nào chống lại Iran”.

Ông Biden cho rằng việc Israel đánh chặn thành công cuộc tấn công dữ dội của Iran đã là một chiến thắng lớn, thế nên phản ứng đáp trả của Israel là không cần thiết.

Hôm 15-4, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đã lặp lại quan điểm của ông Biden. “Việc Iran tiến hành cuộc tấn công chưa từng có này không có nghĩa là chúng ta nên chấp nhận tình trạng leo thang liên tục gia tăng trong khu vực” - ông Kirby nói.

Những cân nhắc trong nước

Tính toán đáp trả của Israel cũng chịu sự chi phối của chính trị trong nước. Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu đang lãnh đạo liên minh cực hữu nhất trong lịch sử nước này, thế nên việc giữ cho chính phủ đoàn kết sẽ cần phải xoa dịu những người theo đường lối cứng rắn - những người có xu hướng yêu cầu một đòn tấn công trả đũa nhắm vào Iran.

Israel tiến thoái lưỡng nan khi tính toán đáp trả Iran
Các thành viên nội các chiến tranh của Israel trong một phiên họp. Ảnh: DPA

Nhiệm vụ của ông Netanyahu lúc này là tính toán một phản ứng với Tehran khiến liên minh chính phủ hài lòng để có thể duy trì liên minh cũng như “nhu cầu sống còn chính trị của chính thủ tướng”, theo ông Pinkas.

Cũng cần lưu ý rằng ông Netanyahu hiện phải đối mặt áp lực cực lớn từ liên minh chính phủ do chưa thể mang hơn 100 con tin Israel trở về nhà dù cuộc chiến ở Gaza đã kéo dài hơn 6 tháng.

Trong khi đó, ông Pinkas cho rằng người dân Israel không muốn mở ra một mặt trận khác với Iran khi quân đội Israel vẫn đang chiến đấu ở Gaza.

“Mọi người vẫn còn bị sốc về những gì đã xảy ra vào tháng 10-2023, vì vậy tôi không nghĩ người dân có mong muốn leo thang và mở ra một cuộc xung đột hoàn toàn trực tiếp với Iran” - ông Pinkas nhận định.

Uy tín quốc tế

Những tháng gần đây, sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây với Israel cũng như uy tín của Israel trên trường quốc tế đang bị suy giảm do hoạt động quân sự của nước này ở Gaza khiến hơn 33.000 người Palestine thiệt mạng. Tuy nhiên, kể từ cuộc tấn công của Iran, các đồng minh phương Tây của Israel đã tập hợp trở lại vì quyền tự vệ của Israel.

Theo CNN, một số chính trị gia Israel đã kêu gọi nhà nước tận dụng sự ủng hộ hiện có để đáp trả Iran. Thậm chí, một số người còn kêu gọi Israel sử dụng sự ủng hộ này để thực hiện kế hoạch đổ bộ vào TP Rafah (cực nam Gaza) - vốn đang dang dở do bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt.

“Chúng ta cần phải đáp trả và có hai lựa chọn tốt: Hoặc tận dụng cuộc tấn công ngày 14-4 để đáp trả Iran, hoặc đạt được thỏa thuận với Mỹ để tiến vào Rafah và loại bỏ Hamas” - ông Yakov Amidror, cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Netanyahu, nói với tờ Jerusalem Post.

Hai quan chức Israel nói với CNN rằng ông Benny Gantz - lãnh đạo phe đối lập và một thành viên chủ chốt của nội các chiến tranh của Israel - đã thúc đẩy phản ứng nhanh chóng hơn trước cuộc tấn công của Iran.

Theo các nguồn tin, ông Gantz lập luận rằng Israel càng trì hoãn phản ứng thì càng khó thu hút được sự ủng hộ của quốc tế.

Trong khi đó, các thành viên khác trong nội các cho rằng hành động trả đũa Iran sẽ đẩy căng thẳng leo thang, cũng như khiến Israel bị quốc tế cô lập hơn nữa.

Quản lý quan hệ với các nước Ả Rập

Các quốc gia Ả Rập, bao gồm cả những quốc gia thân thiện với Israel, đã bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ leo thang sau vụ tấn công của Iran vào Israel nhưng chưa lên án động thái của Tehran.

Ngoài ra, việc Jordan - một quốc gia Ả Rập - hỗ trợ Israel bắn hạ UAV Iran hôm 14-4 đã bị thế giới Ả Rập chỉ trích. Jordan giải thích việc bắn hạ UAV là nhằm bảo vệ không phận Jordan. Tuy vậy, Jordan dường như cũng ủng hộ lý lẽ của Iran rằng vụ tấn công hôm 14-4 là nhằm đáp trả việc Đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích.

Hôm 15-4, Ngoại trưởng Jordan - ông Ayman Safadi cảnh báo Thủ tướng Netanyahu không tìm cách leo thang căng thẳng nhằm chuyển trọng tâm khỏi cuộc chiến ở Gaza.

Israel hiện tại đang tìm cách hàn gắn quan hệ với các quốc gia Ả Rập - những quốc gia đã cho thấy sự cân bằng tinh tế trong mối quan hệ với cả Israel và Iran.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu Israel đáp trả Iran, dẫn tới sự bất ổn trong xuất khẩu dầu mỏ, vốn là lợi ích cốt lõi của các nước vùng Vịnh, quan hệ Israel với các quốc gia Ả Rập sẽ bị ảnh hưởng.

“Điều mà các nước Ả Rập không muốn nhất chính là một diễn biến làm tăng giá dầu và khiến eo biển Hormuz bị chặn” - ông Pinkas nói. Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman, nơi 1/5 sản lượng dầu toàn cầu đi qua hàng ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm