Lãi suất cao 15-16%/năm như hiện nay, doanh nghiệp làm sao sống được?

Lãi suất cao 15-16%/năm như hiện nay, doanh nghiệp làm sao sống được?

(PLO)-  Nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay là làm sao được ngân hàng giảm lãi vay, khoanh nợ... để tránh không bị nhảy nhóm nợ xấu.

Đây là một trong những nội dung được nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đồng thuận đưa ra tại tọa đàm với chủ đề "Nghị quyết 01- Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do báo Người lao động tổ chức ngày 6-2.

Khó khăn bao trùm nhiều ngành nghề

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA): Năm nay là năm mang tính sống còn của doanh nghiệp bất động sản. Thời gian gần đây có tới 70% vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải đều liên quan đến pháp lý dự án. Nguyên nhân này khiến cho số lượng dự án đủ điều kiện mở bán liên tục giảm với quy mô lớn theo từng năm.

Cụ thể, năm 2017, toàn thị trường địa ốc có 42.991 sản phẩm được chào bán, sang đến năm 2018 giảm xuống 28.000, năm 2019 còn 23.000, năm 2020 là 16.894 sản phẩm. Đến năm 2021 chỉ có 13.849 sản phẩm được bán ra và 2022 xuất hiện hơn 12.100 sản phẩm.

Thời gian gần đây, khi dự án ngừng triển khai đã khiến nhiều công nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp giảm nhân sự 50%, cắt giảm lương tới 80%. Có doanh nghiệp kiếm vay tiền cho nhân sự lương tháng 13 cũng không vay được. Trong khi đó, nếu các cơ quan chức năng tạo điều kiện để lĩnh vực bất động sản phục hồi sẽ thúc đẩy rất nhiều ngành nghề khác tăng trưởng theo.

Là một đơn vị chuyên đầu tư phát triển các dự án dành cho người có thu nhập thấp, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành cho biết thêm: Nguồn cung nhà ở xã hội (NOXH) luôn trong tình trạng cháy hàng, không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Mà muốn có NOXH thì phải có doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

Thế nhưng vài năm gần đây, chính sách hỗ trợ chỉ tập trung hỗ trợ giảm lãi suất cho người mua NOXH, song không quan tâm đến việc hỗ trợ lãi suất cho nhà phát triển dự án NOXH. Cũng không có nguồn tiền nào để cho doanh nghiệp làm NOXH được vay với lãi suất ưu đãi?!

Bằng chứng là chính công ty Lê Thành đang phải vay với lãi suất lên tới 14%/năm, ngang bằng với doanh nghiệp phát triển dự án thương mại. Chi phí đầu vào cao, nhưng lợi nhuận để làm dự án NOXH chỉ không quá 10% và thời gian từ lúc có xin giấy phép xây dựng đến khi ban giao lên tới 5 năm, tương đương mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2%.

"Vậy thà để ngân hàng còn lời nhiều hơn. Nếu không thực sự tâm huyết, muốn đóng góp cho xã hội thì chúng tôi nói riêng và các doanh đang đầu tư vào phân khúc này sẽ không muốn làm”, ông Lê Hữu Nghĩa nói.

Tương tự, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết: Sau 2 năm chống chọi với dịch COVID-19, doanh nghiệp du lịch là đối tượng bị ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề nhất và thời điểm này vẫn đang rất khó khăn.

Bởi vừa qua mới chỉ có thị trường du lịch nội địa là phục hồi, còn thị trường khách quốc tế vẫn rất thưa thớt. Trong điều kiện bình thường thì phải cần đến 2025 kế hoạch phục hồi của toàn ngành du lịch về quay trở lại như giai đoạn năm 2019, còn nếu nền kinh tế tiếp tục suy thoái thì ngành du lịch vẫn còn đối mặt với khó khăn.

"Do đó, chúng tôi cũng mong muốn được khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Bởi hiện nay theo thông báo của các nhà băng, nhiều doanh nghiệp du lịch đã bị chuyển nhóm nợ sau khi hết chính sách hỗ trợ”, ông Tài phát biểu.

Cần rà soát lại cơ chế giải ngân, giảm các thủ tục quá phức tạp cho doanh nghiệp

Cần rà soát lại cơ chế giải ngân, giảm các thủ tục quá phức tạp cho doanh nghiệp

Tránh “quay xe” chính sách một cách đột ngột

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề: Nếu lãi cho vay suất cao 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao doanh nghiệp sống được? Trong khi đó, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất được. Đây là thời đại tiền khó rồi và giai đoạn tiền khó sẽ còn tiếp tục.

Trong bối cảnh này, một điều rất then chốt là việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó việc giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng quá chậm.

Về vĩ mô, tôi cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa để có điều kiện tương xứng như với khu vực FDI, làm sao để lãi suất ổn định, chứ quá cao như hiện nay.

Đồng thời, cần tập trung cao độ tái cấu trúc hệ thống thị trường, gắn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp để thị trường này phát triển bền vững hơn. Đồng thời, cần rà soát lại cơ chế giải ngân, giảm các thủ tục quá phức tạp.

"Tôi cho rằng không nên hình sự hóa kinh tế, đặc biệt tránh "quay xe" chính sách một cách đột ngột, làm cho doanh nghiệp lẫn và bộ máy hành chính không dám hoạt động”, ông Thiên nhấn mạnh.

TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh phát triển bất động sản là động lực để phát triển nền kinh tế. Khôi phục thị trường địa ốc là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.

Như phản ánh của HoREA cho rằng hiện có tới 70% vướng mắc mà các doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải liên quan đến pháp lý. Nếu đúng như vậy thì quan trọng hàng đầu phải là giải quyết các vấn đề về thể chế và pháp lý, thủ tục hành chánh.

Trong điều kiện hiện nay, tâm lý sợ sai đang diễn ra nhiều, các bộ ban ngành đang có những hướng dẫn chồng chéo thì việc đưa ra những quy trình để triển khai hết sức cần thiết. Nên chăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có văn bản để quy định vấn đề này.

"Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rất rõ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ phải chắc chắn và linh hoạt, điều đó bảo đảm đối phó với áp lực lạm phát đang gia tăng. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm… cần được tiếp tục”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Đọc thêm