Nên cho người lao động rút 50% tiền BHXH một lần

(PLO)- Các ý kiến của chuyên gia, bộ ngành, công đoàn các cấp đề xuất cho người lao động rút BHXH một lần 50%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới đây, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết đã tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, bộ, ngành, cán bộ công đoàn các cấp.

Tại đây, một số đại biểu đề xuất tiếp tục cho người lao động rút BHXH một lần.

Nên chọn phương án 2

Trong dự thảo Luật BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án rút BHXH một lần.

Phương án 1, người lao động (NLĐ) có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần.

Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành, NLĐ không được rút BHXH một lần nữa.

Phương án 2, sau 12 tháng NLĐ không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần, nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, qua lấy ý kiến NLĐ, chuyên gia, công đoàn các cấp đều đề nghị nghiên cứu quy định theo phương án 2.

Mục đích là để đảm bảo quyền lợi về lâu dài cho NLĐ, giữ họ ở lại lưới an sinh xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để NLĐ tiếp tục tham gia BHXH, và quan trọng hơn là bảo đảm cho họ có hưu trí khi về già.

nên để người lao động được rút 50% BHXH một lần
Một công nhân nữ ở Quảng Nam chọn về quê và rút BHXH một lần. Ảnh: V.LONG

Ngoài các tác dụng trên, đại diện công đoàn cho rằng phương án 2 còn đưa ra một gợi ý về thiết kế hệ thống BHXH linh hoạt trong tương lai.

“Thực tế, nhiều NLĐ không muốn tham gia BHXH do thời gian đóng quá dài, không được rút ra để có thêm một khoản thu nhập nào cho nhu cầu cá nhân, hộ gia đình.

Vì vậy, trong tương lai, thiết kế BHXH nên cho phép NLĐ có thể rút ra một phần thu nhập đã đóng góp để bảo đảm một số nhu cầu cá nhân…”- Tổng Liên đoàn lao động nêu.

Cấm rút BHXH một lần thiệt thòi cho phụ nữ

Chị Nguyễn Thị Lan, ngụ ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, cho biết hai vợ chồng đang làm việc ở một công ty may tại Đồng Nai, đến nay đã tham gia BHXH được 7 năm. Giữa năm nay chị có ý định về quê để chăm non bố mẹ già.

7 năm làm công nhân chị nói chỉ đủ ăn, nên lần này về quê chị sẽ rút BHXH một lần để có tiền sửa lại nhà và “lấy vốn làm ăn”.

“Nhiều nữ công nhân cũng chọn cách làm như tôi, bởi ở quê không có khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp nào đóng BHXH cho. Còn đóng BHXH tự nguyện tôi chưa nghĩ đến vì phải lo miếng ăn hằng ngày…”- chị Lan chia sẻ.

Với những lý do đó, chị Lan cho rằng phụ nữ Việt thường là “hậu phương” cho gia đình nên nhiều người chỉ làm công nhân được 10 năm. Vì thế không nên cấm rút BHXH một lần, mà cần thực hiện như hiện nay hoặc cho người lao động rút 50% để trang trải khó khăn trước mắt.

“Nếu cấm rút một lần thì quá thiệt thòi cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ như chúng tôi”- chị Lan nói.

Bà Ngô Thị Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, phân tích số liệu thống kê của BHXH chỉ ra rằng lao động nữ rút BHXH lần luôn cao hơn lao động nam.

Điều này có thể lý giải dưới góc độ giới. Phụ nữ phải thực hiện thiên chức mang thai, sinh con; cùng với đó, phần lớn phụ nữ đảm nhiệm việc chăm sóc gia đình, trẻ em, người già, người bệnh những công việc không trả công... Thực tế này buộc không ít phụ nữ phải lựa chọn rút khỏi hệ thống bảo hiểm.

Thêm vào đó, NLĐ thuộc khu vực phi chính thức nói chung và lao động nữ nói riêng phần lớn có thu nhập thấp, bấp bênh, việc làm không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhu cầu rút BHXH một lần để trang trải các chi phí sinh hoạt, chăm sóc y tế cho gia đình, khi mang thai và sinh con luôn hiện hữu.

Chính vì thế, bà Liên khẳng định phương án 1 không phù hợp, dễ gây ra phản ứng tiêu cực từ xã hội. Còn phương án 2, bà nhận định “khả thi hơn, mềm dẻo, linh hoạt hơn và hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ xã hội”.

Rút BHXH một lần lợi trước mắt, thiệt lâu dài

Ông Vũ Văn Hiệp (65 tuổi, ngụ Thanh Hoá) từng làm công nhân xây lắp. Sau khi nghỉ việc, ông chọn hưởng chế độ BHXH một lần với khoản tiền trên 1 triệu đồng, là số tiền rất lớn thời điểm đó.

Số tiền trên giúp ông giải quyết khó khăn trước mắt của gia đình, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi hết. Nếu so với những những công nhân cùng trang lứa ở lại làm việc cho đến tuổi nghỉ hưu, ông Việt thấy mình thiệt đủ đường.

“Giờ tôi không có lương hưu, không có BHYT và các chính sách BHXH nên về già rất khó khăn” - ông Hiệp nói.

Hiện nay không ít NLĐ cũng vì giải quyết khó khăn trước mắt nên đã rút BHXH một lần mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Thậm chí có người vì hoàn cảnh quá khó khăn nên đã rút BHXH đến 3-4 lần.

Theo BHXH Việt Nam, thực tế khi rút BHXH một lần, NLĐ "mất nhiều hơn được". Khi rút một cục, họ sẽ có một khoản tiền để chi tiêu giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng khoản tiền này sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Về lâu dài, người rút BHXH một lần sẽ bị hạn chế rất nhiều quyền lợi. Đó là không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng. Họ cũng đồng thời mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng cả nước có gần 100.000 người rút BHXH một lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm