Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết Trạm thu phí Cai Lậy đã hoạt động được 14 ngày, tuyến tránh đã phát huy tác dụng khi góp phần giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua có một số tài xế không nộp phí hoặc dùng tiền bỏ vào chai nhựa, dùng tiền lẻ để phản đối việc thu phí. Lý do là mức phí tại trạm này quá cao và vị trí đặt trạm không hợp lý.
Trong ngày 13-8, do xảy ra ùn tắc giao thông, chủ đầu tư đã xả trạm để đảm bảo an toàn giao thông, địa phương cũng đã huy động lực lượng chức năng để đảm bảo trật tự tại khu vực này.
“Riêng về giá, thông qua buổi làm việc này, tôi đề nghị đồng chí cục phó có kiến nghị với Bộ GTVT giảm phí tại trạm này trong thời gian tới” - ông Bon kiến nghị.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết sẽ tiếp thu những vấn đề Sở GTVT tỉnh Tiền Giang nêu, đồng thời sẽ cung cấp cho báo chí đầy đủ hơn những thông tin liên quan đến dự án.
Giải thích về việc chỉ làm hơn 12 km tuyến tránh, ông Thắng cho rằng có tuyến tránh đã giảm được ùn tắc ở thị xã Cai Lậy.
Về ý kiến quốc lộ 1 là tuyến đường cũ được đầu tư bằng nguồn bảo trì, tại sao không lấy từ quỹ bảo trì đường bộ để làm, ông Thắng nói tổng số đường quốc lộ có 24.000 km nhưng quỹ bảo trì chỉ đáp ứng được 50%. "Tuyến đường này dài 26,5 km, cần kinh phí hơn 300 tỉ đồng thì không có nguồn bảo trì nào đáp ứng nổi" - ông Thắng giải thích.
Ông Huỳnh Văn Nguyện, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tiền Giang, cho rằng thời điểm thông báo thu phí quá gấp, chỉ một ngày dù trước đó có tổ chức thu thử nghiệm. "Lái xe và doanh nghiệp có quá ít thông tin về việc nhà đầu tư BOT đầu tư và xây dựng tuyến đường này. Do đó họ đã so sánh với các tuyến BOT khác cũng như so sánh với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương" - ông Nguyện nói.
Ông Thắng cho biết sẽ tập hợp và báo cáo với Bộ GTVT để có hướng xử lý phù hợp quy định chung. Ông Thắng cũng nói rõ việc nhà đầu tư đã đầu tư thì được phép thu phí hoàn vốn, tuy nhiên phải đảm bảo hài hòa ba nguyên tắc: Thực hiện đúng hợp đồng đã ký giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư; đảm bảo lợi ích người dân và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông thông suốt trên toàn tuyến.
“Tuyến quốc lộ 1 là tuyến đường huyết mạch quốc gia vì vậy không thể để ra sự cố ùn tắc giao thông. Đối với nhà đầu tư nếu xảy ra ùn tắc trên 1km xung quanh vị trí đặt trạm thu phí thì phải tiến hành xả trạm. Nếu không thực hiện đúng quy định thì sẽ xử phạt nhà đầu tư” - ông Thắng nhấn mạnh.
Ngưng xả Trạm thu phí Cai Lậy Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết đến 0 giờ ngày 14-8, Trạm thu phí Cai Lậy đã hoạt động trở lại sau bảy giờ xả trạm. Chiều 13-8, sau khi hẹn nhau trên mạng xã hội, hơn 50 tài xế lại mang tiền 200, 500, 1.000 đồng để trả phí trạm Cai Lậy (Tiền Giang). Phía sau rất đông xe khác cũng chuẩn bị sẵn tiền mệnh giá này để trả. Các tài xế còn mang heo quay đến để "cúng trạm" nhằm phản đối việc thu phí. Giờ cao điểm lượng xe lớn, việc đếm tiền cũng mất nhiều thời gian đã khiến các ô tô ùn ứ kéo dài hơn 4 km. Trạm thu phí tăng cường nhân viên, mở thêm làn đường, CSGT và thanh tra giao thông được huy động điều tiết nhưng các tài xế trả tiền lẻ ở cả hai chiều nên không thể kiểm soát. Tài xế yêu cầu xả trạm, la hét, bấm còi inh ỏi... gây áp lực. Khoảng 17 giờ, trạm Cai Lậy buộc xả trạm cả hai chiều, điều động nhân viên thu phí rời cabin để hướng dẫn các xe qua. Trong nửa giờ giao thông bớt ùn ứ, trạm thu phí tiếp tục làm việc. |