Trưa vắng, dãy hành lang của khoa Chấn thương Chỉnh hình càng trở nên tĩnh lặng hơn cả. Còn thầy Phan Cẩm Sang vẫn ngồi kế bên giường bệnh đọc truyện cho cô học trò Đào Thị Giáng My (10 tuổi).
Ngồi trên giường bệnh của con, chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ của bé Giáng My (trú 19W Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, TP.HCM), phải cố nén tiếng nấc cũng như những giọt nước mắt cứ chực trào khi kể về con mình. Chị Hồng cho biết My vốn là đứa trẻ khỏe mạnh bình thường, đến khi năm tuổi, bé thường bị sốt liên tục, gia đình đưa đi khám thì phát hiện bệnh Liput ban đỏ. Bệnh diễn biến thất thường, khi thì bị lở loét dẫn đến hoại tử, khi lại bình thường. Nhiều lúc thấy sức khỏe của con quá yếu, gia đình đã có ý định cho con thôi học nhưng thấy bé rất ham học nên cha bé cũng nghỉ làm để tiện đưa rước con hằng ngày.
Thầy Sang vẫn đều đặn mang truyện đến cho My. Ảnh: ĐÀO TRANG
Chưa học hết chương trình lớp 4, My buộc phải dừng việc học để chữa bệnh, đến nay đã được gần một năm. Bệnh trở nặng, sức khỏe ngày một suy yếu. Thế nhưng mơ ước đi học vẫn hiện rõ trên gương mặt em.
Gia đình cho biết may mắn cho My là dù không được đi học nhưng hình ảnh trường lớp vẫn luôn ở trong em khi có một người thầy luôn tận tụy vì học trò - thầy Phan Cẩm Sang, giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận 11.
“Năm năm con tôi bị bệnh là ngần ấy năm thầy quan tâm và chăm sóc. Mỗi lần đi dạy về, thầy Sang lại chạy tới hỏi con có khỏe không, chân có đau không, rồi con muốn đọc truyện gì, thích ăn món gì. Biết con bé thích đọc truyện Doreamon, thầy vẫn tranh thủ thời gian tới cùng bé đọc truyện. Căn bệnh đã ảnh hưởng nặng đến thận, não bị teo còn cơ thể thì bị phù nề khiến bé không nhớ mặt ai nhưng riêng thầy Sang thì lại nhớ. Không chỉ động viên chăm sóc, nhiều lần thầy đã cùng với nhà trường, học sinh Trường Trần Văn Ơn hỗ trợ My khoảng 30 triệu đồng viện phí” - chị Hồng kể.
Thầy Sang chia sẻ: “Kể từ khi bệnh Liput ban đỏ chuyển biến nặng, đôi chân My dần bị hoại tử, da bị sần sùi khắp cơ thể khiến nhiều bạn không dám chơi cùng. Nhiều lần thấy bé chỉ ngồi yên trên ghế đá, ánh mắt thì đua theo bước chân của các bạn cùng trang lứa, tôi thấy mình cần phải làm gì để giúp bé mang theo hình ảnh trường lớp bên mình. Tôi chẳng biết giúp gì cho My, mỗi lần tới cũng chỉ biết mang sách truyện, mấy loại bánh kẹo mà bé thích ăn, rồi ở lại cùng bé đọc truyện, nói chuyện với bé”.
Năm năm nay, thời gian bé My sống trong bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Cũng vì thế mà cha bé phải nghỉ làm để tiện chăm sóc con, còn người mẹ cũng ở nhà nhận may vá để lo chi phí cho cả gia đình, gia cảnh rất khó khăn.
Sau ca phẫu thuật để cắt bỏ phần da đã hoại tử, bé My đã bị cắt bỏ hết các ngón chân. Tỉnh dậy không thấy những ngón chân đâu, bé My chỉ biết gào khóc: “Chân con đâu, không có chân làm sao mà con học đếm được?”.
Chứng kiến cảnh bé My gào khóc đòi những ngón chân, thầy Sang luôn thầm mong có phép màu đến với cô học trò nghèo.
BS Lê Hữu Phúc, khoa Chấn thương Chỉnh hình, BV Nhi đồng 1, cho biết hiện bé Đào Thị Giáng My đang bị loét ở vùng cùng cụt, hoại tử da ở hai bên chân do bị ảnh hưởng bởi bệnh Liput ban đỏ. Hiện tại bệnh viện đang chờ sức khỏe của bé tốt hơn để ghép da, khâu lại vết thương ở vùng cụt và tập cho bé đi lại. _______________ Bạn đọc giúp đỡ bé Giáng My xin gửi về báo Pháp Luật TP.HCM, số tài khoản: 1607201005173, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Phan Đình Phùng (khi chuyển khoản vui lòng ghi tên người gửi và nội dung: “Giúp bé Giáng My”). |