Đã không có chất vấn nào về vụ Việt Á trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi được truyền hình trực tiếp của Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ ba. Lý do trực tiếp có thể là chương trình chất vấn lần này đã được tổng hợp, thông qua với bốn lĩnh vực quản lý nhà nước, không bao gồm y tế, khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, việc không chất vấn vụ Việt Á cũng còn có thể xuất phát từ những lý do khác nữa: Sự vào cuộc quyết liệt, nhịp nhàng ở cấp cao nhất là Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, rồi Quốc hội (QH), HĐND TP Hà Nội và tiếp đó là các cơ quan tố tụng.
Số phận của hai ủy viên Trung ương Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bước đầu đã được định đoạt nhanh gọn trong mấy ngày từ ngày 4 đến 7-6, vừa kịp hoàn tất để QH bước vào chương trình chất vấn xuân thu nhị kỳ của mình.
Quy trình xử lý ấy ít nhiều đã giúp hạ nhiệt những bức bối bên ngoài của đông đảo cử tri và cả bên trong Hội trường Diên Hồng - nơi các đại biểu (ĐB) dân cử có trách nhiệm truyền tải tâm tư, nguyện vọng của những người bầu ra mình…
Ngày đầu tiên của kỳ họp, báo cáo của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến QH nhấn mạnh “cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức lợi dụng các chính sách của Nhà nước trong công tác phòng chống dịch COVID-19 để trục lợi; một số vụ án có quy mô, phạm vi lớn, liên quan nhiều bộ, ngành và địa phương, một số cán bộ, đảng viên tiếp tay, bao che cho việc phạm tội làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.
Chuyển tải sự bất bình ấy, ở các không gian thảo luận khác nhau, nhiều ĐBQH đã thẳng thắn nêu câu hỏi: “Công ty Việt Á là ai, tại sao lại có quyền lực chi phối và sức ảnh hưởng lớn như vậy?”, “Còn bao nhiêu Việt Á len lỏi trong những lĩnh vực khác, gói thầu khác?”…
Nhiều câu hỏi, băn khoăn, trăn trở tương tự như vậy được nêu ra nhưng chưa được giải đáp thấu đáo, đến cùng. Nhưng nêu ra vậy cũng là cách từng ĐBQH bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình với quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng nghỉ, không có vùng cấm mà Trung ương Đảng đang thể hiện.
ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao…
Chất vấn ai, chất vấn nội dung gì, bày tỏ quan điểm, ý kiến ra sao, ở không gian nào, trong hay ngoài phiên chất vấn, trả lời chất vấn… tất cả là quyền năng của ĐBQH.
Nhưng với độ đặc hiệu, độ nhạy của kit test Việt Á với vấn nạn tham nhũng, tiêu cực đang hoành hành thì việc xử lý hình sự những nhân vật chủ chốt, là nguyên nhân chính cho vụ án đặc biệt nghiêm trọng, quy mô thiệt hại cả về tiền bạc, cán bộ và niềm tin đặc biệt lớn này…có lẽ chỉ là một sự khởi đầu để làm sáng tỏ các câu hỏi mà ĐBQH đã nêu ra những ngày qua.
Từng ĐB dân cử dù ở QH hay HĐND TP Hà Nội, hay các tỉnh, thành khác với cánh tay của mình, chắc hẳn sẽ tiếp tục còn những băn khoăn, mong muốn đặt câu hỏi, chất vấn, kiến nghị trong những ngày tiếp theo của kỳ họp này, kỳ họp tới, kỳ họp sau nữa.
Những cánh tay ấy được kỳ vọng biểu thị trung thành nguyện vọng của cử tri, thúc đẩy công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực tới mục tiêu cuối cùng.