Nóng ran cuộc chiến năng lượng Nga - Ukraine

(PLO)-  Nga và Ukraine đang đẩy mạnh tấn công quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau - diễn biến cho thấy xung đột vẫn leo thang và gây ra mối đe dọa toàn cầu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày gần đây, xung đột Nga - Ukraine cho thấy bước leo thang mới khi Moscow và Kiev liên tục tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau. Theo chuyên gia, cuộc chiến năng lượng Nga - Ukraine không chỉ gây thiệt hại cho các bên tham chiến mà còn tác động mạnh đến kinh tế và môi trường chính trị toàn cầu.

Tờ Financial Times ngày 22-3 dẫn các nguồn tin thân cận rằng Mỹ đã kêu gọi Ukraine ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga vì lo ngại giá năng lượng tăng cao và các cuộc trả đũa nghiêm trọng hơn từ Moscow.

Tấn công “ăn miếng trả miếng” vào cơ sở hạ tầng năng lượng

Vài tháng qua, Ukraine đã phát động làn sóng tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga. Theo ước tính của hãng tin Reuters, kể từ tháng 1, Ukraine đã tấn công ít nhất chín nhà máy lọc dầu cùng các kho chứa dầu ở miền Tây nước Nga, làm giảm 7% công suất lọc dầu của Moscow.

Ngày 13-3, một cuộc tấn công của Ukraine đã đốt cháy một nhà máy lọc dầu ở TP Ryazan (phía Tây của Nga), nơi sản xuất gần 6% lượng dầu thô đã tinh chế của Nga, khiến hai đơn vị sản xuất của nhà máy phải đóng cửa. Trước đó, một nhà máy lọc dầu khác gần TP Nizhny Novgorod (Nga, cách biên giới với Ukraine hơn 1.000 km) cũng bị giảm một nửa công suất do trúng không kích của Ukraine.

Đáp lại, cuối tuần qua, Nga đã mở một chiến dịch không kích quy mô lớn nhất từ đầu chiến sự trên khắp lãnh thổ Ukraine. Những đợt tấn công chủ yếu nhằm vào các nhà máy điện và nước ở các tỉnh Kharkiv, Zaporizhia, Lviv, Sumy... khiến khoảng 1,2 triệu người Ukraine chìm trong bóng tối.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 24-3 cho biết từ ngày 21 đến 24-3, Nga đã sử dụng khoảng 190 tên lửa, 140 UAV Shahed và 700 quả bom ném vào Ukraine. Theo ước tính ban đầu, các vụ tấn công đã làm năm người thiệt mạng và 31 người bị thương, đe dọa khoảng 20 trạm biến áp cùng nhiều cơ sở chứa khí đốt dưới lòng đất. Ngoài ra, một số nhà máy điện cũng bị hư hại sau vụ việc.

Đáng quan ngại là trong đợt tấn công này, một tên lửa của Nga đã bắn trúng đập DniproHES (tỉnh Zaporizhia) - đập thủy điện lớn nhất của Ukraine với sức chứa khoảng 3,3 tỉ m3 nước nhưng may mắn là con đập không bị vỡ, nếu không, một thảm họa sinh thái và nhân đạo tương tự vụ vỡ đập Nova Kakhovka (tỉnh Kherson) hồi tháng 6-2023 chắc chắn không thể tránh khỏi, theo tạp chí TIME.

Những ngày sau đó, Moscow tiếp tục tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở thủ đô Kiev và các TP khác.

Bình luận về các vụ tấn công của Nga, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko viết trên Facebook: “Đối phương đã phát động một trong những cuộc tấn công lớn nhất vào ngành năng lượng Ukraine trong những tuần gần đây. Mục tiêu (của Nga) không chỉ là gây thiệt hại mà còn gây ra sự gián đoạn quy mô lớn trong hệ thống năng lượng của Ukraine”.

nong-ran-cuoc-chien-nang-luong-nga-ukraine.jpg
Một đường dây điện cao thế bốc cháy ở tỉnh Kharkiv (Ukraine) ngày 22-3 sau khi trúng không kích. Ảnh: REUTERS

Tác động đáng ngại từ chiến tranh năng lượng Nga - Ukraine

Giới quan sát nhận định việc Ukraine phát động một cuộc chiến năng lượng trong giai đoạn này nhằm làm giảm doanh thu của Moscow trong lĩnh vực năng lượng, từ đó gây gián đoạn nguồn tài trợ của điện Kremlin cho hoạt động quân sự. Ngoài ra, các cuộc tấn công như vậy cũng được cho là nhằm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống Nga - một sự kiện diễn ra cách đây hai tuần.

Về phía Moscow, bên cạnh việc đáp trả đòn tấn công của Ukraine, nhiều ý kiến cho rằng có lý do khác khiến Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của đối phương vào mùa xuân, khi nhiệt độ đã ấm lên, thay vì mùa đông như trước đây.

Ông Volodymyr Kudrytskyi, người đứng đầu Công ty vận hành lưới điện Ukrenergo thuộc sở hữu nhà nước Ukraine, cho rằng mùa đông năm 2023 Nga không đánh vào hạ tầng năng lượng mà tập trung vào tổ hợp công nghiệp - quân sự của Ukraine vì Moscow đang lên kế hoạch kỹ lưỡng cho một cuộc tấn công lớn vào ngành năng lượng với sự tham vấn của các chuyên gia hàng đầu.

“Tôi không nghi ngờ gì tất cả cuộc tấn công của Nga nhằm vào mạng lưới năng lượng của Ukraine đều có sự phối hợp với các chuyên gia năng lượng. Chúng tôi hiểu cách họ lên kế hoạch cho các cuộc tấn công và chúng tôi biết cách để phản ứng nhằm ngăn tình trạng mất điện” - ông Kudrytskyi nói.

Trong khi đó, ông Frederico Borsari, nhà phân tích quốc phòng tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA, Mỹ), liên kết các cuộc tấn công của Nga với tình trạng thiếu đạn dược ở Ukraine. Theo chuyên gia này, Moscow muốn làm gián đoạn hệ thống phòng không và thách thức nguồn cung cấp điện của Ukraine cho các hoạt động quân sự khác.

Chiến tranh năng lượng Nga - Ukraine đã tác động đến nguồn cung năng lượng của hai bên và được dự đoán sẽ gây hậu quả nặng nề hơn khi mùa hè đến. Ông Roman Nitsovych, Giám đốc nghiên cứu của Dixi Group (một trung tâm phân tích năng lượng có trụ sở tại Kiev), cảnh báo Ukraine sẽ mất điện thường xuyên trong thời gian tới vì mùa hè thường là thời điểm bảo trì các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện - những nơi vừa hứng chịu đòn tấn công từ Nga.

Ngược lại, đối với Moscow, nếu Kiev tiếp tục tấn công, khoảng 60% năng lực sản xuất dầu của Nga sẽ bị đe dọa. Tình cảnh sẽ còn khó khăn hơn với Nga khi nước này không thể nhập khẩu các trang thiết bị phục vụ việc sửa chữa những nhà máy này do lệnh cấm vận từ phương Tây.

Ở cấp độ toàn cầu, sau mỗi đợt tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu Nga, giá dầu lại tăng thêm vài phần trăm. Theo tạp chí TIME, từ đầu năm 2024 đến nay, giá dầu toàn cầu đã tăng lên khoảng 15%, ở mức 85 USD/thùng.

Bên cạnh dầu mỏ, Nga còn là nhà sản xuất khí tự nhiên và than đá hàng đầu thế giới. Thế nên một cuộc tấn công vào ngành năng lượng Nga có thể dẫn đến khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đẩy lạm phát tăng cao và gây áp lực lớn cho các chính phủ.•

Ông Putin: Nói Nga tấn công NATO là vô nghĩa

Tối 27-3 (giờ Moscow), Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga không muốn đối đầu với các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo đài RT.

Phát biểu trong chuyến thăm căn cứ không quân Torzhok ở tỉnh Tver (Nga), ông Putin đã chỉ trích lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo châu Âu rằng cần hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến vì Moscow sẽ không dừng lại nếu Kiev bị đánh bại trên chiến trường.

“Điều này thật vô lý! Những tuyên bố rằng chúng tôi sẽ tấn công châu Âu sau Ukraine là hoàn toàn vô nghĩa và chỉ nhằm mục đích đe dọa người dân” - ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng NATO đã và đang mở rộng về phía biên giới của Nga, trong khi Moscow chỉ đơn thuần là “bảo vệ người dân trên các lãnh thổ lịch sử của chúng tôi”.

“Họ đã đến thẳng biên giới của chúng tôi, chúng tôi có vượt đại dương đến biên giới của Mỹ không?” - ông Putin nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm