Theo Nghị quyết 54, ngân sách TP.HCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP. Nhưng đến nay, việc này chưa được thực hiện. Trong khi đó, địa bàn TP đang tồn tại một diện tích rất lớn đất đai ở vị trí đắc địa thuộc diện trên với giá trị hàng tỉ USD được sử dụng không hết công năng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết:
“Trong thực tế có cơ quan trung ương đã sắp xếp nhưng chưa được phê duyệt, có cơ quan được phê duyệt nhưng chưa đấu giá, thậm chí có tài sản đã đấu giá rồi nhưng chưa có kết quả… Vì thế, TP chưa có được nguồn lực tài chính như mong đợi.
Những khu đất này là tài sản lớn, không dễ gì giải quyết được ngay, với nhiều lý do khác nhau. Ngay cả ở các địa phương trên địa bàn TP, có những tài sản phải sắp xếp, thu hồi nhưng các cơ quan vẫn muốn giữ lại. Trong triển khai thực hiện, luôn gặp phải tình huống: Một bên muốn có khu vực để đầu tư phát triển theo quy hoạch, một bên muốn giữ lại để sử dụng theo cách của mình, vì vậy rất khó gặp nhau.
Nếu vì lợi ích cục bộ thì không thể thực hiện
. Phóng viên: Theo ông, cần làm gì để giải quyết khúc mắc này? Cơ chế đã có, làm thế nào để các cơ quan trung ương chịu hợp tác?
+ Ông Võ Văn Hoan: Đối với tài sản công, có sự phân cấp quản lý. Với những tài sản thuộc sự phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương thì TP chủ động giải quyết được. Với những tài sản thuộc sự phân cấp cho bộ, ngành dưới sự điều phối chung của Bộ Tài chính thì thẩm quyền của các bộ và Chính phủ.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. |
Chúng tôi mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, phân loại để xác định những tài sản nào tiếp tục được giữ lại, phục vụ đúng chức năng công sở, những tài sản nào không cần thiết nữa, đưa ra ngoài thì hiệu quả hơn. Từ đó sắp xếp, báo cáo để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm. Sau khi được phê duyệt, TP sẽ tham gia quá trình còn lại.
. Mỗi chính sách thường không thể đảm bảo cácbên cùng có lợi ích như nhau mà bên nào đó phải chịu thiệt vì lợi ích chung. Sự khúc mắc này có phải xuất phát từ việc không thuận theo quy luật đó?
+ Đúng thế. Nếu đặt lợi ích cục bộ của đơn vị, ngành mình thì không thể thực hiện được, dẫn tới sự trì hoãn, làm chậm quá trình phát triển, vì một bên muốn thúc đẩy, một bên muốn ra khỏi định hướng chung. Từ đó dẫn tới thiệt hại chung: Bộ, đơn vị không làm được gì, TP cũng không làm gì được với những khu đất như vậy. Quan trọng là phải quyết liệt thúc đẩy.
Vấn đề cần giải quyết là tinh thần hợp tác
. Vừa rồi Thủ tướng yêu cầu không tổ chức các cục, vụ phía Nam. Giảm bớt vị trí sẽ kéo theo giảm bớt công sở. Đây có phải cơ hội để TP thêm lợi ích từ việc bán đấu giá những công sở này?
+ Chủ trương này rất hợp lý. Nhưng triển khai như thế nào thì còn tùy thuộc vào từng bộ, ngành, tùy thuộc vào quá trình kiểm tra, rà soát.
Nhiều khu đất “kim cương” trên địa bàn TP.HCM cần được phát huy giá trị. Ảnh: HOÀNG GIANG |
. TP.HCM đang đẩy mạnh hoàn thiện quy hoạch chung. Liệu có bất cập khi TP đã hoàn tất quy hoạch nhưng việc thỏa thuận về đất đai với các cơ quan trung ương lại đi sau?
+ Khi xây dựng quy hoạch, phải cân nhắc nhiều chiều với lợi ích lâu dài của cả xã hội, chứ không phải xuất phát từ giá trị kinh tế thuần túy từ khu đất. Chẳng hạn, sử dụng một khu đất để giải quyết bài toán về giao thông, giáo dục hay phát triển kinh tế thì theo quy hoạch chứ không phải vì nhắm mặt tiền.
Trước khi trình quy hoạch lên Thủ tướng, tất cả các bên phải tham gia, lấy ý kiến từng cơ quan, từng ngành của TP, người dân, các cơ quan trung ương.
Vấn đề cần giải quyết không phải là thống nhất quy hoạch mà là tinh thần hợp tác.
. Xin cám ơn ông.
Chưa có sự phối hợp từ cơ quan trung ương
Hưởng 50% tiền sử dụng đất, tài sản công gắn liền trên đất của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn là cơ chế mà TP đã lên tiếng rất nhiều mới có. Tuy vậy, vẫn chưa thực hiện được cơ chế này vì các cơ quan trung ương chưa có sự phối hợp, chưa bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch.
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM