Nghị trường và câu chuyện lãng phí

(PLO)- ĐBQH có nhiều đặc quyền về chất vấn, yêu cầu trả lời, được miễn trừ với lời nói của mình trên nghị trường... nhưng những đặc quyền ấy được thi hành thế nào để khỏi lãng phí, cũng là một câu chuyện đáng suy nghĩ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như một thói quen, tuyệt đại đa số ý kiến phát ra ở phiên họp toàn thể Quốc hội đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 2021 đều bắt đầu bằng câu “đánh giá cao báo cáo của Chính phủ”.

Điều đó cũng diễn ra với các ý kiến bàn về kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, khi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nào cũng đánh giá là “nhiều chuyển biến”, “có hiệu ứng tích cực”.

Nhưng… thú vị là sau “nhưng” và “tuy nhiên”, 24 ý kiến phát biểu chiều nay đã chỉ ra là những hạn chế, yếu kém cụ thể. Đó là xét nghiệm, cách ly, phong tỏa, hạn chế giao thương, cấp giấy đi đường thời COVID-19 - lãng phí sức dân, nguồn lực chống dịch. Là tinh giản biên chế còn cào bằng, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng, vị trí, yêu cầu công việc; báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt - ấy là lãng phí tài năng, nhân lực.

Đó còn là bộ máy vẫn còn cồng kềnh, chưa được cải cách triệt để, mới chỉ sửa chữa theo “tình thế”. Là nhà nước pháp quyền chưa được hoàn thiện, lãng phí cơ hội xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính - công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát quyền lực.

Là chậm trễ trong triển khai các dự án, phân bổ vốn, tiền tiêu không được - tức lãng phí cơ hội phát triển. Là hệ thống pháp luật còn rối rắm, chất lượng chưa cao, nhiều văn bản không được ban hành kịp thời - lãng phí cơ hội tăng trưởng, phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, bộ mặt đất nước.

Những tiêu cực như vụ Việt Á làm mất bao nhiêu cán bộ, hoen ố chiếc áo blouse trắng… chẳng những lãng phí nguồn lực chống dịch, sinh mạng nhân dân mà còn bào mòn, lãng phí niềm tin của nhân dân…

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như thế, dù được các ĐBQH “đánh giá cao” thì dường như sẽ còn nhiều việc cần chuyển biến trong nhiều năm nữa, như lời ĐB Đỗ Đức Hồng Hà.

Chê và phê bình là cần thiết nhưng tự phê bình còn quan trọng không kém.

Diễn biến thảo luận tại QH cho thấy không nhiều ĐB có ý kiến, góp ý cụ thể vào các nội dung về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 cũng như đánh giá công tác thu, chi ngân sách năm 2021, những tháng đầu năm 2022 - mặc dù quyết định ngân sách quốc gia là một trong những quyền năng quan trọng nhất của QH.

Diễn biến nghị trường cũng gây ra không ít ý kiến băn khoăn về năng lực, trình độ của người đại biểu nhân dân, thể hiện qua phát biểu của họ, được tường thuật trên báo hoặc truyền hình trực tiếp.

ĐBQH có đặc quyền chất vấn từ Chủ tịch nước, Chủ tịch QH đến Thủ tướng, các thành viên Chính phủ và nhiều chức danh khác do QH bầu, phê chuẩn.

ĐBQH còn có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân ấy phải trả lời trong thời gian luật định.

Và ĐBQH, như thông lệ thế giới, có quyền miễn trừ với lời nói của mình trên nghị trường.

Nhưng những đặc quyền ấy được thi hành thế nào để khỏi lãng phí, cũng là một câu chuyện đáng suy nghĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm