Một nội dung thu hút nhiều ý kiến khi xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 đó là cơ chế cho Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) TP.HCM. Kinh nghiệm xây dựng và định vị thương hiệu trung tâm tài chính toàn cầu của một số đô thị trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải… là bài học quý.
Đối tác tiếp cận với rào cản thấp hoặc không có
Singapore là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, liên tục xếp hạng ba về tính cạnh tranh, hạng sáu về trung tâm quản lý tài sản, hạng hai về chỉ số TP có cơ hội. Để đạt được kết quả này, Singapore đã xây dựng và tận dụng nhiều yếu tố lợi thế.
Singapore cũng như những trung tâm tài chính lớn khác đều có nền tảng là đầu mối của nhiều hoạt động thương mại, hàng hải ở quy mô thế giới. Nền tảng này làm nảy sinh nhu cầu về các dịch vụ tài chính như ngoại hối, ngân hàng thương mại và đầu tư, sở giao dịch chứng khoán, bảo hiểm hàng hải.
Trung tâm tài chính quốc tế Singapore là một mô hình cần tham khảo. Ảnh: HẢI AN |
Đảo quốc sư tử liên tục đứng hàng đầu về cạnh tranh toàn cầu những năm gần đây dựa trên môi trường thân thiện với nền kinh tế số, cơ sở hạ tầng chất lượng cao và nỗ lực hấp thu công nghệ lớn. Nước này có hơn 20 hiệp định thương mại tự do cho phép các đối tác tiếp cận thị trường với rào cản thấp hoặc không có. Nơi đây cũng hấp dẫn các tổ chức tài chính muốn đặt trụ sở toàn cầu với hơn 80 hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Môi trường của đảo quốc sư tử tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập, vận hành doanh nghiệp (DN). Hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng, nền tảng trung gian tài chính giúp các DN thực hiện hợp đồng hữu hiệu, an toàn. Singapore luôn tăng cường giám sát để phòng chống tội phạm tài chính, rửa tiền. Bằng cách này, nơi đây đảm bảo những yếu tố cần thiết của một TTTCQT lớn.
Về khả năng đào tạo và thu hút nhân tài, Singapore cũng luôn giữ vị trí hàng đầu thế giới. Các tổ chức tài chính nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của chính phủ nếu tuyển dụng, đào tạo, trợ giúp quá trình chuyển đổi lao động. Nhân lực trong ngành tài chính cũng được hỗ trợ để phát triển kiến thức, kỹ năng, sắp xếp vị trí làm việc hợp lý.
Mô hình TTTCQT Hong Kong cũng đáng được tham khảo. Về thị trường tài chính, chính phủ Hong Kong áp dụng cơ chế không can thiệp, không sở hữu bất kỳ ngân hàng trung ương nào. Bên cạnh việc phát triển các dịch vụ ngoại hối, Hong Kong tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trung gian tài chính, cung cấp các phương tiện phát hành, bảo lãnh phát hành.
Hong Kong đã xây dựng các quy định chặt chẽ đảm bảo mức độ minh bạch cao trong lĩnh vực tài chính. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng giúp nơi đây tối ưu hóa hiệu quả của bộ máy trung tâm tài chính. Đội ngũ nhân viên, chuyên gia có thể làm việc từ bất cứ nơi đâu trên thế giới một cách dễ dàng. Cơ sở hạ tầng và điều kiện sống tốt tại đây cũng là các yếu tố thu hút những nhân tài hàng đầu.
Khuyến khích công ty nước ngoài niêm yết chứng khoán
Từ năm 2009, Phố Đông của Thượng Hải trở thành TTTCQT. Có thể thấy một số yếu tố dẫn tới thành công của Phố Đông: Hoạt động theo cơ chế dự án trọng điểm quốc gia, áp dụng chính sách ưu đãi thuế, phát triển các đặc khu tự do thương mại, cơ sở hạ tầng không ngừng cải thiện. Nhờ một loạt chính sách ưu đãi và khuyến khích, Phố Đông là sự lựa chọn cho cả dự án phát triển mới và dự án di dời địa điểm.
Trong khi đó, Nhật Bản đã tái khởi động kế hoạch đưa Tokyo trở thành một TTTCQT. Có một số vấn đề cần giải quyết: Mức lương ở Tokyo thấp hơn so với Hong Kong, Singapore; tỉ lệ DN vừa và nhỏ trong tổng số DN vẫn còn cao. Để tạo lập một TTTCQT, trước tiên phải thay đổi cơ cấu ngành.
Ngoài ra, Nhật Bản cần cải tổ thị trường chứng khoán để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các trung tâm tài chính lân cận. Điều này bao gồm chiến lược khuyến khích các công ty nước ngoài niêm yết ở thị trường chứng khoán Tokyo.
Việc chỉ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ không đủ sức thu hút nhân tài từ nước ngoài. Một số quan chức khẳng định sẽ tạo sự phối hợp giữa nhiều cơ quan để đẩy mạnh thu hút nhân tài từ Hong Kong cùng các nước trong thời gian trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh mô hình làm việc từ xa, ứng dụng kỹ thuật số cũng là những giải pháp được Nhật Bản chú trọng.
Trong thập niên 2000, Dubai đã trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu. TP này có lợi thế là trung tâm vận tải hàng không quốc tế và ở bên những láng giềng giàu có với nguồn tiền dồi dào từ dầu mỏ sẵn sàng đầu tư. Mặt khác, TP không có đối thủ nặng ký nào trong khu vực về các dịch vụ tài chính.
Thế nhưng, yếu tố quyết định cần kể đến là ý chí mạnh mẽ của chính phủ UAE khiến nước này sửa đổi hiến pháp để tạo hành lang pháp lý cho một trung tâm tài chính toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế BÙI VĂN:
Tìm hiểu nhu cầu của các tập đoàn tài chính lớn
Các TTTCQT vừa liên kết theo chuỗi vừa cạnh tranh với nhau. Chẳng hạn, một ngân hàng quốc tế vừa có trụ sở ở Hong Kong, Thượng Hải, Singapore vừa có trụ sở ở TP.HCM. Đó là sự liên kết nhưng bài toán cạnh tranh là làm thế nào để ngân hàng đó mở nhiều hoạt động hơn, luân chuyển thêm hoạt động từ nơi khác sang TP.HCM. Muốn thế, cơ chế vận hành, môi trường sống, làm việc phải có những ưu việt.
Ngoài ra, cần thu hút được người tài làm việc cho trung tâm tài chính, trong khi tầng lớp lao động này lại có yêu cầu sống cao. Vấn đề đó liên quan đến cải thiện môi trường xã hội, nâng cao chất lượng sống với những yếu tố như giao thông, an ninh trật tự, sự an toàn, thu nhập… Đây là sức hút tổng thể của cả xã hội.
Đại diện chính quyền TP cần gặp trực tiếp các tập đoàn tài chính lớn và hỏi xem họ yêu cầu gì, mình có đáp ứng được không, phải điều chỉnh những gì.
GS-TS NGUYỄN THỊ CÀNH, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM:
Cần chính sách phát triển công nghệ tài chính
Đối với mô hình TTTCQT hiện đại, phát triển công nghệ tài chính là trọng tâm. Công nghệ tài chính là sử dụng công cụ phần mềm, ứng dụng, giải pháp kỹ thuật số để cung cấp các dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng và DN.
Hệ sinh thái công nghệ tài chính bao gồm: Công ty khởi nghiệp; các định chế tài chính truyền thống; môi trường kinh doanh; khả năng tiếp cận vốn; chính sách.
Điểm yếu của việc hình thành trung tâm công nghệ tài chính ở TP.HCM gồm: Số công ty còn ít; vốn nhỏ, chưa có công ty lớn, chưa thu hút được công ty quốc tế; chưa có một chương trình hỗ trợ dành riêng cho công nghệ tài chính; luật pháp về đầu tư mạo hiểm chưa có; nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ tài chính còn thiếu…
Cần phát triển cộng đồng khởi nghiệp công nghệ tài chính sôi động. Hình thành ngôi nhà chung dành cho cộng đồng công nghệ tài chính và khởi nghiệp. Địa điểm có thể là Khu công nghệ cao hoặc khu đô thị Thủ Thiêm tại TP Thủ Đức.
Cần hoàn thiện hệ thống luật pháp về đầu tư mạo hiểm để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Có thể xem xét thiết lập cơ chế quỹ đồng đầu tư 1:1 (đầu tư của chính phủ và tư nhân) nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân.
TS HỒ QUỐC TUẤN, Giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ tài chính và kế toán Trường ĐH Bristol, Vương quốc Anh:
Cung cấp vốn đến mọi cá nhân, tổ chức
Tài chính truyền thống + Công nghệ tài chính = Tài chính toàn diện. Tài chính toàn diện hay tài chính bao trùm là cung cấp các dịch vụ tài chính đến với mọi cá nhân, tổ chức chưa tiếp cận được kênh cung cấp vốn truyền thống.
Công nghệ tài chính giúp duy trì sự ổn định của thị trường tài chính và bảo vệ nhà đầu tư, người tiêu dùng.
Cần thành lập hiệp hội các DN công nghệ tài chính để đại diện cho tiếng nói của DN trong lĩnh vực này. Đồng thời thành lập một cơ quan hỗ trợ và giám sát hoạt động công nghệ tài chính riêng trong Chính phủ.
PHẠM CƯỜNG ghi