Khi tham gia giao thông, nhiều người tận dụng xe máy, xe ba gác, xe tự chế… để vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên không khó để bắt gặp nhiều trường hợp chở hàng cồng kềnh, chông chênh, dễ rơi xuống đường và xảy ra va chạm với các phương tiện khác.
Cụ thể, nhiều chiếc xe đã cũ, không biển số, kính chiếu hậu không có, thậm chí “độ” thêm nhiều phuộc để chở hàng,…hiên ngang chạy trên đường phố, chạy ngược chiều, chen làn các phương tiện khác, thậm chí vượt đèn đỏ.
Bên cạnh việc chở hàng hóa vượt quá quy định, nhiều phương tiện còn buộc hàng hóa sơ sài, không che chắn, nghiêng sang hai bên, có thể rơi hàng xuống đường bất kể lúc nào, gây lo lắng cho những người tham gia giao thông khác.
Theo ghi nhận của PV, tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM, một số người tận dụng các phương tiện giao thông tự chế để vận chuyển hàng hóa. Tại tuyến đường Trường Chinh (quận Tân Phú, TP.HCM) xuất hiện nhiều xe chở hàng hóa cồng kềnh, chạy xe tốc độ cao. Các tài xế vận chuyển đủ loại hàng hóa như quần áo, thực phẩm, đồ gia dụng,… trên những chiếc xe máy, xe tự chế, xe ba gác.
Tại các tuyến đường khác như Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), Phan Văn Trị (Gò Vấp)…không khó bắt gặp các phương tiện vận chuyển số hàng hóa có kích thước quá lớn khiến người tham gia giao thông khác bị hạn chế tầm nhìn, dễ xảy ra va chạm.
Xe tự chế "độ" 3 cặp phuộc để vận chuyển hàng. Ảnh: TRẦN MINH |
Anh LTT (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Là người thường xuyên tham gia giao thông, cá nhân tôi rất bất an khi điều khiển phương tiện giao thông. Những chiếc xe máy, xe ba gác, xe tự chế chở hàng quá khổ rất dễ bị rớt hàng, hay thậm chí mất lái gây ra tại nạn giao thông, điều đó gây cho nhiều người tham gia giao thông khó có thể xử lý kịp trước những tình huống phát sinh trên đường”.
Chị TNT (ngụ quận Tân Phú) cũng chia sẻ: “Tôi là con gái đôi khi chạy xe rất yếu, nhưng nhiều lần tham gia giao thông tôi đã chứng kiến rất nhiều người chạy xe máy tự chế chở nhiều hàng cồng kềnh hoặc chở một thanh thép dài cả chục mét vác trên vai hoặc treo tòn ten bên hông xe, rồi vô tư chạy trên đường như chốn không người trông rất nguy hiểm.
Thiết nghĩ, hành động chở hàng cồng kềnh trên xe máy tự chế rất nguy hiểm, tôi rất mong lực lượng cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử phạt nghiêm hành vi chở hàng nguy hiểm này để tránh xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây ra điều đáng tiếc cho người đi đường do va quẹt”.
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận trên một số tuyến đường TP.HCM trong những ngày qua:
Chở hàng quá chiều cao quy định, nguy cơ đổ ngã là rất cao. Ảnh: TRẦN MINH |
Một xe chở hàng cũ nát, biển số chỉ còn 1 nữa. Ảnh: TRẦN MINH |
Xe máy chở hàng lấn làn ngược chiều tại ngã tư. Ảnh: TRẦN MINH |
Một người đàn ông tận dụng những chỗ trống trên xe máy để treo hàng. Ảnh: THẢO HIỀN |
Không có chỗ gác chân, người chở hàng đành gác lên những món hàng mà mình đang chở. Phía trước là một thanh niên khác chở những thùng hàng chất cao. Ảnh: TRẦN MINH |
Chở hàng cồng kềnh bị xử lý như thế nào?
Pháp luật về giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi chở hàng hóa quá tải, cồng kềnh gây cản trở giao thông. Hay nói cách khác, đây là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Vậy như thế nào là chở hàng cồng kềnh? Theo khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về giới hạn sắp xếp hàng hóa trên mô tô, xe gắn máy như sau:
Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.
Trong đó, giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất trên xe mô tô, xe gắn máy được hiểu là một loại baga chở hàng, được tính từ mép hai bên hông và mép sau của baga.
Như vậy, nếu xe mô tô, xe gắn máy chở hàng vượt quá quy định nêu trên thì bị coi là chở hàng cồng kềnh và sẽ bị xử phạt lỗi xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.
Về xử lý hành chính: Điều 6 Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.
Do đó, hành vi chở hàng cồng kềnh, chở hàng vượt quá giới hạn quy định sẽ bị xử phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Ngoài ra, theo khoản 2 điều 82 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021) thì người có thẩm quyền xử phạt có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm để đảm bảo thi hành quyết định hoặc xác minh tình tiết để quyết định xử phạt.
Người chở hàng cồng kềnh, vượt quá giới hạn mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Về xử lý hình sự: Nếu người vi phạm giao thông đường bộ mà gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý theo Điều 260 BLHS, phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù lên đến 15 năm tùy thuộc vào hành vi vi phạm và hậu quả. Đồng thời, còn bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM.