TAND Tối cao bác đơn đề nghị giám đốc thẩm của một chủ tịch huyện

(PLO)- TAND Tối cao vừa có thông báo giải quyết đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của Chủ tịch huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo TAND Tối cao, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (Chủ tịch huyện) đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hành chính phúc thẩm số 284/2024/HC-PT ngày 15-4-2024 của TAND Cấp cao tại TPHCM về vụ án khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai giữa người khởi kiện là ông Dương Trung Bực với người bị kiện là Chủ tịch huyện Tuy Phong.

chủ tịch huyện
Khu đất ông Dương Trung Bực thắng kiện chủ tịch huyện ở 2 cấp tòa sơ và phúc thẩm.

Sau khi nghiên cứu, TAND Tối cao có ý kiến: Ngày 8-6-2021, UBND xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với ông Dương Trung Bực do đã có hành vi chiếm đất trồng cây lâu năm khác với diện tích 7.427,8m² tại khu vực Đá Một, Thôn 3, xã Bình Thạnh.

Ngày 15-10-2021, Chủ tịch huyện Tuy Phong ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Bực, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã chiếm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm là hơn 10 triệu đồng.

Ông Bực cho rằng phần diện tích đất mà ông bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ trả lại hiện trạng là do cha mẹ ông khai hoang để lại. Mặc dù quá trình sử dụng đất gia đình ông Bực không kê khai đăng ký nhưng trên đất có nhiều ngôi mộ lâu đời của gia đình và cây trồng trên đất; có cây trồng đã gần 30 năm tuổi.

UBND huyện Tuy Phong và UBND xã Bình Thạnh đều thừa nhận các ngôi mộ trên khu đất này là của gia đình ông Bực, đã có từ lâu đời nhưng cho rằng diện tích đất bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đã trừ phần đất mồ mả.

Tuy nhiên, theo Biên bản kiểm tra xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 10-4-2023, Biên bản kiểm tra hiện trạng đất ngày 5-6-2021 đều thể hiện trên phần đất bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả có diện tích 7.427,8m², bao gồm cả phần đất có mộ của gia đình ông Bực.

chu-tich-huyen-498.jpg.jpg
Các ngôi mộ của người thân, gia đình ông Dương Trung Bực trong khu đất.

Do đó, tại Biên bản vi phạm hành chính ngày 8-6-2021 và tại văn bản ngày 10-9-2019, UBND xã Bình Thạnh xác định ông Bực có hành vi vi phạm lấn chiếm đất của Nhà nước, thời điểm vi phạm là ngày 15-7-2020 là chưa đủ căn cứ.

Do đó, việc Chủ tịch huyện Tuy Phong ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Bực; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã chiếm là chưa đủ cơ sở vì trên đất còn hơn 20 ngôi mộ nên việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất là không khả thi.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Bực, hủy Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch huyện Tuy Phong là có cơ sở.

Vì vậy, không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hành chính phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TPHCM.

Như PLO đã đưa, trước năm 1975, cha mẹ ông Dương Trung Bực khai hoang hơn 8.000 m² đất tại thôn 3, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Quá trình sinh sống, gia đình ông Bực chôn cất 22 người thân trong phần đất trên; diện tích đất còn lại được gia đình sử dụng vào mục đích làm rẫy, sản xuất nông nghiệp.

Đến năm 1984, cha mẹ cùng anh chị em ruột của ông Bực đã họp bàn thống nhất giao 8.000 m² đất cho vợ chồng ông Bực quản lý sử dụng và định đoạt. Sau khi nhận đất, vợ chồng ông Bực trồng dừa, me, nhãn và làm một căn nhà chứa phân bón, đào 1 giếng phục vụ nước tưới cho sản xuất…

Thế nhưng sau đó ông Bực bị chính quyết địa phương quy kết là lấn chiếm đất nên ông Bực kiện ra tòa thắng kiện cả hai phiên tòa sơ và phúc thẩm. Được biết theo giám định trong số cây trồng trên đất có 1 cây me 29 năm tuổi, 1 cây nhãn 32 năm tuổi... Từ đó các cấp tòa cho biết thửa đất trên là do cha mẹ ông Bực khai hoang, sau đó để lại cho vợ chồng ông Bực sử dụng chứ không phải lấn chiếm.

Tuy nhiên, Chủ tịch huyện Tuy Phong cho rằng việc giám định tuổi cây là chưa khách quan vì cây me (29 năm tuổi) và cây nhãn rừng (32 năm tuổi) là do cây mọc tự nhiên và một số cây như mãng cầu (9 năm tuổi), cây xoan (8 năm tuổi) do ông Bực đem cây lớn từ nơi khác đến khu vực đất chiếm để trồng vào thời điểm năm 2021 nên có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hủy án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm