Chiều 9-11, Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Giá điện tăng từ ngày 9-11
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh của EVN, cho biết ngày 8-11, EVN đã ban hành Quyết định số 1416 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, giá điện tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Việc điều chỉnh giá điện áp dụng chính thức từ hôm nay 9-11-2023.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, với mức giá điều chỉnh mới, mỗi khách hàng dùng điện sinh hoạt 0-50 kWh phải trả thêm 3.900 đồng. Tương tự, khách hàng dùng từ 51-100 kWh phải trả thêm 7.900 đồng.
Ở các bậc 3-5 của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, tiền điện hộ gia đình phải trả tăng 17.200 - 42.000 đồng. Mức phải trả tăng nhiều nhất là với hộ dùng trên 500 kWh, thêm 55.000 đồng.
Với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ, tiền điện tăng thêm 230.000 đồng/tháng; nhóm sản xuất phải trả thêm 432.000 đồng và hành chính sự nghiệp là 90.000 đồng/tháng.
2 lần điều chỉnh tăng giá điện trong năm
Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, EVN đã hai lần điều chỉnh giá điện. Lần thứ nhất điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4-5. Lần thứ hai điều chỉnh tăng 4,5% từ ngày 9-11. Với mức tăng hai lần trong năm nay, giá điện đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh.
Được biết trong ngày 8-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định quy định về giá bán điện.
Tại đợt tăng giá hồi tháng 5, mặc dù giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3% và doanh thu của EVN năm 2023 tăng thêm khoảng 8000 tỷ đồng, tuy nhiên điều này cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính.
Theo tính toán, với một số yếu tố đầu vào cơ bản vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng giá thành sản xuất điện cũng như các biện pháp tiết kiệm chi phí đã được thực hiện, thì giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.