TS Trần Đình Thiên: 'Giá điện Việt Nam còn nặng tính bao cấp'

(PLO)- Giá điện ở Việt Nam hiện vẫn còn nặng tính bao cấp. Việc tính đúng, tính đủ giá điện, các chi phí vào giá điện là rất cần thiết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm về "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp”.

Tại tọa đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, giá điện chung của Việt Nam hiện vẫn còn nặng tính bao cấp nên mức giá khá thấp, trong khi mấy năm gần đây chi phí về điện tăng rất cao.

“Chúng ta vẫn giữ giá điện rất thấp để hỗ trợ người lao động, để hỗ trợ xã hội trong lúc khó khăn. Tuy nhiên nó trả giá bằng câu chuyện là thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng” - Ông Thiên nói.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta không nên lập luận là "thu nhập thấp nên giá điện thấp" mà phải lập luận ở mức tổng thể hơn đó là "giá điện phải đúng để đảm bảo cân bằng sản xuất và tiêu dùng".

Cao hơn nữa, nếu cứ duy trì giá điện thấp như hiện nay có khả năng ta đang tạo ra bẫy công nghệ, tức là chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém thì ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế chung. Từ đó ông cho rằng, việc tính đúng, tính đủ giá điện, các chi phí vào giá điện là rất cần thiết.

trandinhthien-16987490747341922483715-1698749996495-1698749996981391993804.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: VGP

“Như tôi có lần nói, giá điện cao chưa chết nhưng mất điện thì chết, không có điện mới gay go. Nói vậy để thấy rằng công cụ giá hiện nay cần được đưa ra sử dụng một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất với nguyên tắc theo thị trường” - PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, các lần điều chỉnh giá điện vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất kinh doanh điện. Năm 2022, giá thành tăng 9,27% nhưng giá điện chỉ được tăng 3%.

Những điều đó đều gây khó khăn về nhiều mặt. Đó là dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, chưa nói đến tái sản xuất gặp khó khăn; Giá điện càng thấp thì nhà đầu tư không mặn mà đầu tư xây dựng hệ thống phát, truyền tải.

“Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện làm sao bảo đảm được nguyên tắc mà chúng ta đã đề ra” - Ông Thoả chia sẻ.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế này, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng đã đến lúc chín muồi để chuyển sang cấu trúc giá điện theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời phải tách bạch một cách rõ ràng giữa giá điện thị trường với việc hỗ trợ cho lực lượng yếu thế, những nhóm thu nhập thấp mà giá điện hiện nay có thể có những tác động tiêu cực.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất cần phải sửa các luật liên quan, trong đó phải sửa quy định về giá theo hướng thị trường, đẩy nhanh lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần phải có chính sách đồng bộ, thực hiện đồng thời, cùng lúc.

Theo đó, giá điện phải được tính đúng, tính đủ, rõ ràng, cùng với đó làm sao phải đảm bảo được an ninh nguồn điện. Bên cạnh đó, chúng ta đẩy nhanh các dự án nguồn điện, tăng tính cạnh tranh trên cơ sở giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, có chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng, chính sách thúc đẩy tiết kiệm điện, thúc đẩy tiêu thụ điện xanh…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm