Chiều 15-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM đã diễn ra phiên thảo luận "Hệ sinh thái mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm hướng tới phát thải ròng bằng không".
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đã nêu những cơ hội, thách thức của TP.HCM trong phát triển xanh, chia sẻ kinh nghiệm thành công của một số quốc gia.
Doanh nghiệp lo sản phẩm xanh không được người tiêu dùng đón nhận
T.S Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) sẽ tạo cơ hội và động lực quan trọng nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, đồng thời thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để khai thác hiệu quả hơn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cơ hội này càng có ý nghĩa hơn khi TP.HCM là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là đầu tàu xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, bà Minh chia sẻ khi viện tổ chức tham vấn, cộng đồng DN, nhà đầu tư thường chia sẻ lo ngại lớn nhất của họ là sản phẩm của mô hình KTTH không được người tiêu dùng đón nhận do họ thích các sản phẩm truyền thống với giá cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, cách thức tiến hành chuyển đổi từ “nền kinh tế nâu” và “kinh tế tuyến tính” sang xây dựng mô hình kinh tế xanh còn thiếu định hướng cụ thể, thiếu hệ thống tiêu chí đủ chi tiết và cơ chế ưu đãi phù hợp.
“Hiện tại, viện đang chủ trì xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH và đang lấy ý kiến các bộ, ngành. Trong đó, sự quan tâm, chuẩn bị triển khai của TP.HCM có ý nghĩa đặc biệt. Nếu có thêm cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH, quá trình phục hồi và cơ cấu lại kinh tế của thành phố sẽ nhanh, hiệu quả và toàn diện hơn”-bà Minh nói.
Trong khi đó, một số chuyên gia của Hàn Quốc chia sẻ, mọi quốc gia đều đối mặt với vấn đề về môi trường khi ưu tiên phát triển kinh tế.
Để phục vụ cho xã hội, cuộc sống người dân trong phương diện này thì TP.HCM đã tạo cơ hội cho cộng đồng chung tay vào việc giải quyết vấn đề về môi trường rất tốt.
Bên cạnh nỗ lực xây dựng một hệ thống pháp lý tạo điều kiện cho các hoạt động để phát triển kinh tế xanh, vấn đề phân bổ ngân sách cũng phải song hành với nhau.
Theo các chuyên gia, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Hàn Quốc nhờ việc xây dựng cộng đồng cùng chung tay trên tinh thần tự nguyện của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua phong trào giáo dục quần chúng, mọi người dân có vai trò đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia.
TS Trần Du Lịch cho rằng Việt Nam rất sớm đưa ra chiến lược phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải cacbon… nhưng điểm yếu lớn nhất của Việt Nam là đề ra mục tiêu nhưng chính sách thì thiếu.
TP.HCM chuyển đổi xanh là lựa chọn tất yếu
Theo ông Lịch, thành phố cần tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 98. Chẳng hạn, trên cơ sở xây dựng khung chiến lược chuyển đổi, thành phố có thể tận dụng có thể xử lý ngay vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời… để giảm dần tiêu hao năng lượng.
Bên cạnh đó, hiện nay TP đang chuyển đổi công năng một số khu công nghiệp khu chế xuất gắn với Nghị quyết 98 thế nào.
Đối với kinh tế xanh, giảm rác thải nhựa… nên đưa vào giáo dục từ mẫu giáo như cách một số quốc gia làm rất hiệu quả.
“TP.HCM chọn Cần Giờ thí điểm trở thành đô thị xanh, chúng tôi tán đồng. Nếu Việt Nam cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng không thì Cần Giờ đến năm 2030 sẽ phải đạt trước”-ông Lịch nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, qua các báo cáo ý kiến thảo luận cho thấy chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển bền vững là lựa chọn tất yếu và cần hợp tác hành động để đạt mục đích trên.
Các ý kiến xuyên suốt diễn đàn cho thấy nhiều gợi ý cách làm hay, mô hình tốt mà TP có thể tham khảo.
Sau diễn đàn, thành phố nghiên cứu kĩ lưỡng, khẩn trương hoàn thành khung chiến lược phát triển xanh TP.HCM tầm nhìn 2030 đến năm 2050 và tháng 9 này hoàn thành.
“Với những ý kiến góp ý xuyên suốt tại diễn đàn chúng tôi thấy rằng có đủ cơ sở hoàn thiện khung chiến lược với mốc thời gian, hành động cụ thể. Đồng thời, ban hành quy định quy chuẩn phù hợp với quy chuẩn quốc tế cũng như chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển xanh diễn ra tốt hơn. Thành phố giữ vai trò là địa phương tiên phong phát triển xanh, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển bền vững” - ông Mãi nói.
Từ kết quả diễn đàn này, thành phố sẽ tổng hợp kiến nghị Chính phủ cập nhật bổ sung chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Cùng với đó, xem xét ban hành các chính sách để thúc đẩy phát triển xanh trong thời gian tới.
Theo ông Phan Văn Mãi, dịp này TP.HCM công bố hợp tác giữa với Diễn đàn kinh tế thế giới về thành lập Trung tâm công nghiệp 4.0
Đây là đầu mối quan trọng giúp TP.HCM cũng như Việt Nam nghiên cứu các chiến lược chính sách, cũng như lựa chọn cách thức, công nghệ để thúc đẩy phát triển xanh hướng đến phát triển bền vững.
“Chúng tôi mong nhận sự quan tâm hợp tác của các tổ chức quốc tế, cá nhân dành cho trung tâm này trong thời gian tới”- ông Mãi nói.