Trưa 5-11, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết cơ quan này đã đề nghị TAND tỉnh Thái Nguyên chuyển hồ sơ để xem xét.
TAND Tối cao đã có yêu cầu TAND tỉnh Thái Nguyên chuyển hồ sơ vụ lùi xe trên cao tốc khiến bốn người tử vong.
Ông Tuệ cũng cho hay TAND Tối cao hoặc TAND Cấp cao tại Hà Nội đều có thẩm quyền xem xét vụ án này theo thủ tục giám đốc thẩm.
PV chia sẻ về việc sau khi bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên được tuyên, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình, hy vọng TAND Tối cao sau khi rút hồ sơ sẽ có sự xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo. Phó chánh án TAND Tối cao khẳng định rằng “đây là trách nhiệm của chúng tôi”.
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Chung, Chánh án TAND tỉnh Thái Nguyên, cũng cho biết sau khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc và có nhiều ý kiến tranh cãi, cơ quan này đã có báo cáo vụ việc lên TAND Tối cao để xem xét.
Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay ông biết dư luận và báo chí bàn nhiều về việc kết án đối với tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng. Ông Bình nói: “Tôi có theo dõi công luận, báo chí cũng như mạng xã hội bình luận. Tôi sẽ cho rà soát, kiểm tra lại về bản án này”.
Như đã đưa tin, sau hai ngày xét xử (1 và 2-11), HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm, tuyên phạt Ngô Văn Sơn chín năm tù (giảm một năm), Lê Ngọc Hoàng sáu năm tù (giảm hai năm) cùng về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; đồng thời phải bồi thường tổn thất cho các gia đình bị hại số tiền gần 1,2 tỉ đồng.
Ngay sau khi chủ tọa dứt lời, người nhà cùng bị cáo Hoàng phản ứng dữ dội vì không đồng tình với quyết định của HĐXX. Sự phản ứng này khiến vị chủ tọa phải lui vào phòng chờ.
Cùng đó, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội về xe cộ cũng chia sẻ rộng rãi các bài viết, quan điểm cho rằng bản án của TAND tỉnh Thái Nguyên là không thuyết phục, vội vàng.
Chị Vũ Thị Thúy (vợ tài xế Hoàng) cùng gia đình cho biết rất không đồng tình với bản án phúc thẩm. Chị Thúy nói: “Gần hai năm chờ đợi, tôi nghĩ bản án phúc thẩm sẽ khả quan hơn và mong chủ tọa phiên tòa sẽ xử đúng người, đúng tội. Thế nhưng tôi thấy bản án dành cho chồng tôi chưa công tâm, chưa khách quan và tôi không phục. Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị để tòa cấp trên xem xét giám đốc thẩm”.