Hôm qua, bị can Đặng Văn Hiến đã ra đầu thú sau năm ngày lẩn trốn trong rừng. Theo các nhân chứng, Hiến đã khóc khi gặp các cán bộ C45.
Vụ thảm án
Sáng 23-10, Công ty TNHH Long Sơn điều động nhiều công nhân đưa máy móc vào san ủi vườn điều của ông Hoàng Văn Thắng tại Tiểu khu 1536 (Quảng Trực, Tuy Đức) thuộc lâm phần do công ty quản lý. Nhiều người dân đã kéo đến ngăn cản, chống đối dẫn đến xô xát. Một số người dùng súng hoa cải tự chế bắn công nhân Công ty Long Sơn chết tại chỗ, gồm Điểu Vinh (sinh năm 2000), Điểu Tào (sinh năm 1991) và Dương Văn Tiến (sinh năm 1992) và 16 người khác bị thương. Những người nổ súng đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
Công an đã tạm giữ ông Hoàng Văn Thắng (51 tuổi) và Mai Thị Khuyên (vợ nghi can Đặng Văn Hiến). Hôm qua (28-10), Hiến và người nhà đã liên hệ với báo Nông Thôn Ngày Nay nhờ đưa ra đầu thú. Lực lượng C45 đã đến điểm hẹn tại bìa rừng để tiếp nhận bị can Hiến. Hiến theo các cán bộ ra khỏi rừng và không bị còng tay và được đưa về thẳng C45 phía Nam để lấy lời khai. Cùng ngày, công an đã bắt giữ nghi can Hà Văn Trường (31 tuổi, trú xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Trong vụ án còn có hai nghi phạm là Ninh Viết Vương, Ninh Viết Thọ vẫn đang lẩn trốn.
Từ năm 2008, khi Công ty Long Sơn tiếp quản đất để triển khai dự án trồng và quản lý bảo vệ rừng đã thường xuyên xảy ra tranh chấp, xô xát với người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do sự quản lý lỏng lẻo của công ty khiến người dân bức xúc vì tình trạng lẫn lộn đất dân canh tác từ trước năm 2008 với đất lấn chiếm và đất dự án…
Hiện cơ quan chức năng chưa thể khẳng định chính xác khu đất xảy ra cuộc tranh chấp, đổ máu ngày 23-10 có thuộc quyền quản lý của Công ty Long Sơn hay không. Lý do là khi giao đất, tỉnh chỉ xác định tọa độ trên bản đồ trong khi mốc ở thực địa chưa cắm. Tuy nhiên, trên quan điểm về luật pháp, theo chính quyền, đất ở hai xã Đắk Ngo, Quảng Trực đều là đất lâm nghiệp, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Chỉ những hộ dân khai hoang, canh tác trước năm 1993 mới được xem xét cấp quyền sở hữu đất.
Trước đó, tháng 3-2015, một nhóm sáu nhân viên bảo vệ Công ty Long Sơn được người khác thuê đi đòi đất đã xông vào một nhà dân đánh chém khiến nhiều người trong gia đình này bị thương nặng. Mới đây nhất, tháng 3-2016, tại Tiểu khu 1535 cũng diễn ra vụ tranh chấp khiến một lãnh đạo của Công ty Long Sơn trọng thương.
Đặng Văn Hiến khóc khi tiếp xúc với cán bộ C45 tại một căn chòi trong rừng và được hỏi han: “Em khỏe không? Những ngày qua có được ăn uống đầy đủ không?”. Ảnh: MAI QUỐC ẤN
Người dân vòng quanh xe chia tay bị can. Ảnh: HỮU DANH
Tự ý cưỡng chế, không thông qua chính quyền
Trước đây, để giữ trật tự, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đang có hoạt động tranh chấp đất với người dân giữ nguyên hiện trạng. Tình hình ở khu vực này vẫn diễn biến phức tạp nên tháng 7-2016, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. Phó Thủ tướng chỉ đạo địa phương sớm ổn định các cụm dân cư trên địa bàn hai xã Đắk Ngo, Quảng Trực trên cơ sở khảo sát, điều tra, tiến hành định cư, định canh tại chỗ, không lập và đầu tư dự án mới. Yêu cầu cao nhất là ổn định đời sống cho bà con.
Toàn bộ quá trình diễn biến sự việc cho thấy đây là hệ lụy của quá trình tranh chấp đất kéo dài nhiều năm giữa công ty và người dân mà không được giải quyết thấu đáo. Do cần lực lượng để đi giải tỏa đất, công ty đã tuyển và trưng dụng khá nhiều lao động chưa đủ tuổi thành niên vào làm công nhân, bảo vệ. Trong vụ nổ súng trên, nhân viên Điểu Vinh của công ty bị tử vong chỉ mới 16 tuổi. Dù Công ty Long Sơn đã dự đoán trước được phản ứng của người dân nên mang theo nhiều khiên, rựa… để đối phó.
Đáng nói nhất là “Công ty TNHH Thương mại Long Sơn đã tự phát san ủi vườn điều của người dân, chưa thông qua chính quyền địa phương”, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông Ngô Xuân Lộc trả lời báo chí.
Được biết pháp luật hiện hành không có quy định nào cho phép các tổ chức, cá nhân tự ý giải tỏa đất, bất luận trong trường hợp nào.
Diễn biến vụ việc • 23-10: Công ty Long Sơn cho người và máy móc đến "cưỡng chế" giải tỏa khu đất nhà ông Hoàng Văn Thắng. Người dân và nhân viên công ty xô xát, một số người dân dùng súng tự chế bắn chết ba nhân viên Công ty Long Sơn là Điểu Vinh (sinh năm 2000), Điểu Tào (sinh năm 1991) và Dương Văn Tiến (sinh năm 1992). 16 người khác bị thương. • 24-10: Cơ quan CSĐT tỉnh Đắk Nông cho biết đang tạm giữ ông Hoàng Văn Thắng (51 tuổi) và Mai Thị Khuyên (vợ nghi can Đặng Văn Hiến - người tàng trữ 10 khẩu súng tự chế) để phục vụ điều tra.
• 26-10: VKSND tỉnh Đắk Nông phê chuẩn quyết định khởi tố vụ bắn chết ba người và làm 16 người bị thương, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã Đặng Văn Hiến. • 27-10: Bị can Hiến và người nhà đã liên hệ với báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt nhờ đưa ra đầu thú. • 28-10: Bắt giữ nghi can Hà Văn Trường (31 tuổi, trú xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Cùng ngày, lực lượng C45 đã đến điểm hẹn tại bìa rừng để tiếp nhận bị can đầu thú Đặng Văn Hiến. Sau khi làm thủ tục, bị can Hiến theo các cán bộ ra khỏi rừng và không bị còng tay. Bị can này được đưa về thẳng C45 phía Nam để lấy lời khai. Cùng liên quan trong vụ án còn có hai nghi phạm là Ninh Viết Vương, Ninh Viết Thọ vẫn đang lẩn trốn. |