Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND huyện Bình Chánh cấp cho ông Nguyễn Văn Tấn có ghi chú “Chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao…”.
Điều này khiến dư luận thắc mắc về việc bán đồ ăn, cà phê là nguy cơ cao hay nguy cơ thấp.
Infographic: Ai phải xin giấy chứng nhận? Đồ họa: QUANG DUY
Hướng dẫn lỗi thời
Hướng dẫn này của UBND huyện Bình Chánh đã lỗi thời!
Từ 10 năm trước, Bộ Y tế có ban hành Quyết định số 11/2006 về quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, Luật An toàn thực phẩm (năm 2010) không sử dụng cụm từ “nguy cơ cao” nữa. Sau luật này, các nghị định, thông tư hướng dẫn cũng không sử dụng cụm từ “nguy cơ cao” nữa.
Đặc biệt, Thông tư 26/2012 của Bộ Y tế đã bãi bỏ Quyết định số 11/2006, chính thức “khai tử” cái gọi là “giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao”, đồng thời cũng khai tử cụm từ “nguy cơ cao” trong các văn bản hướng dẫn về an toàn thực phẩm.
Từ Luật An toàn thực phẩm sử dụng tên giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Hàng rong thì miễn, hộ kinh doanh thì tùy quy mô
Theo Thông tư 26/2012 này, chỉ có bán hàng rong là rõ ràng “thuộc đối tượng không phải cấp giấy chứng nhận”.
Xin nói rõ, người bán hàng rong không cần xin cấp giấy nhưng vẫn phải tuân thủ một số quy định khác về an toàn thực phẩm nhưng mức độ yêu cầu có nhẹ hơn về cơ sở vật chất so với hộ kinh doanh hay doanh nghiệp. Dù có giấy hay không có giấy thì vẫn có sự quản lý, kiểm tra, xử lý. Ví dụ, người bán hàng rong có thể bị kiểm tra đến bốn lần một năm.
Đặc biệt, năm 2014, Bộ Y tế ban hành Thông tư 47/2014 về quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Điều 5 của thông tư này hướng dẫn phân cấp trong việc cấp giấy chứng nhận. Cụ thể, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành cấp giấy cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh từ 200 suất ăn/lần phục vụ trở lên.
UBND quận, huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp quận, huyện (là Phòng Y tế quận, huyện) cấp giấy cho hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 200 suất ăn/lần phục vụ.
Như vậy, hộ kinh doanh của ông Tấn, do UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sẽ phải xin “giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Tùy quy mô mà ông phải xin ở cấp huyện Bình Chánh hoặc xin ở Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM.
10 nhóm thực phảm nguy cơ cao (đã lỗi thời): 1. Thịt và các sản phẩm từ thịt; 2. Sữa và các sản phẩm từ sữa; 3. Trứng và các sản phẩm chế biến từ trứng; 4. Thuỷ sản tươi sống và đã qua chế biến; 5. Các loại kem, nước đá, nước khoáng thiên nhiên; 6. Thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm; 7. Thức ăn, đồ uống chế biến để ăn ngay; 8. Thực phẩm đông lạnh; 9. Sữa đậu nành và sản phẩm chế biến từ đậu nành; 10. Các loại rau, củ, quả tươi sống ăn ngay. |