Không phải tự dưng mà dư luận và công luận lại chú ý nhiều đến vụ án này. Bởi người ta nhìn thấy cách hành xử ở đây quá phản cảm, không hợp lòng dân.
Vụ án hiện vẫn còn trong vòng tố tụng nhưng những ai hiểu biết pháp luật đều nhận thấy căn cứ khởi tố, truy tố rất có vấn đề. Đầu tiên là quyết định xử phạt vi phạm hành chính của công an huyện có dấu hiệu trái luật. Đã trái luật thì không thể căn cứ vào đó để quy cho ông Tấn “tái phạm” rồi xử lý hình sự. Đây chính là một trong những lý do khiến TAND huyện Bình Chánh đã trả hồ sơ để VKS cùng cấp điều tra bổ sung vào trưa qua (21-4).
Thứ nữa, việc coi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm có phải là giấy phép hay không cũng là điều đáng bàn, bởi nó liên quan đến cấu thành tội phạm của tội kinh doanh trái phép. Chính tướng Phan Anh Minh khi trả lời báo chí cũng thừa nhận hiện vẫn còn lẫn lộn giữa giấy phép và giấy chứng nhận. Đã lẫn lộn, chưa thống nhất thì sao lại suy luận theo hướng bất lợi cho bị can/bị cáo?!
Với những căn cứ pháp lý chưa vững vàng như vậy mà đã vội vàng khởi tố, truy tố một công dân thì liệu đã ổn? Đó là chưa nói BLHS 2015 (có hiệu lực vào ngày 1-7 tới) đã bỏ tội kinh doanh trái phép rồi, chỉ còn hơn hai tháng nữa luật này có hiệu lực mà vẫn xử lý ông Tấn thì liệu có cần thiết, có thấu lý đạt tình?
Gần đây, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích tinh thần khởi nghiệp để đất nước có nhiều người làm giàu, đóng góp của cải vật chất cho xã hội. Ở buổi đầu khởi nghiệp, nếu doanh nghiệp có sơ suất, thiếu sót gì thì cơ quan nhà nước phải làm “bà đỡ”, hướng dẫn họ hoàn thiện giấy tờ, điều kiện chứ không phải đi săm soi, xử lý họ. Chính từ tinh thần này mà nhà làm luật đã bỏ tội kinh doanh trái phép trong BLHS 2015. Đây được coi là một “cuộc cách mạng” trong chính sách kinh tế, là đòn bẩy để doanh nghiệp mạnh dạn làm ăn mà không còn tâm lý hoang mang, lo sợ bị “sờ gáy” chỉ vì những sơ suất ngoài mong muốn của mình.
Ấy vậy mà chỉ với những thiếu sót trong buổi đầu khởi nghiệp, ông Tấn đã bị hành cho lên bờ xuống ruộng. Nhìn cái sơ đồ “rượt đuổi” giữa Công an huyện Bình Chánh và những bước đi hoàn thiện điều kiện kinh doanh của ông Tấn đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM, người ta không khỏi rùng mình. Không ai, dù lạc quan đến cỡ nào, có thể tìm thấy ở đó sự đồng hành, giúp đỡ từ cơ quan nhà nước mà chỉ thấy sự lăm le, sẵn sàng bắt tội người khởi nghiệp. Điều này lý giải vì sao dư luận không thể nào đồng cảm được với cơ quan tố tụng trong vụ này.
Trong buổi gặp mặt báo chí sáng 21-4, tướng Phan Anh Minh có nói “vụ án này nhỏ xíu như cái móng tay” và “không đáng mất nhiều công sức, không đáng tốn nhiều giấy mực”. Nhưng theo người viết, có lẽ nên nói thế này: Sai phạm của chủ quán cà phê Xin Chào nhỏ xíu như cái móng tay, không đáng để khởi tố, để nhiều vị lãnh đạo phải lên tiếng như vậy.