“Việt Nam xuất hiện xu thế mức sinh đang giảm xuống. Nhiều địa phương có mức sinh thấp, thậm chí thấp xa với mức sinh thay thế…”. Đó là đánh giá của ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, khi đề cập đến Quyết định 588.
Mức sinh ở Việt Nam đang giảm xuống
. Phóng viên: Thưa ông, Quyết định 588 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo ông, quyết định đó ra đời dựa trên bối cảnh thực tế nào của nước ta.
+ Ông Nguyễn Văn Tân: Theo tôi, quyết định đó xuất phát từ tình hình thực tế mức sinh của Việt Nam diễn biến trong thời gian gần đây. Cụ thể là các yếu tố sau: Thứ nhất, mức sinh của Việt Nam đã giảm rất nhanh (đặc biệt từ thập niên 1990 đến giờ), đến năm 2006 đã đạt được mức sinh thay thế.
Năm 2006, bình quân mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 2,09 con, trong khi đó đầu thập niên 1990 gần bốn con. Mức sinh này được duy trì liên tục suốt 13-14 năm qua, xung quanh mức sinh thay thế. Điều này được hiểu là mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh bình quân hai con (con số chính xác là 2,1 con).
Bên cạnh đó, xu thế mức sinh cũng đang giảm xuống. Những địa phương mà có mức sinh thấp, thậm chí thấp xa so với mức sinh thay thế như TP.HCM, miền Đông Nam bộ, ĐBSCL, duyên hải miền Trung và nhiều thành phố khác.
. Theo ông, điều gì tác động đến xu thế đó?
+ Đời sống của người dân càng ngày càng cải thiện, thứ hai toàn cầu hóa làm cho việc giao lưu và du nhập những giá trị mới về sinh đẻ. Khi văn hóa hưởng thụ tăng lên, tự do cá nhân…, người ta sẽ sinh đẻ ít đi. Điều này tác động đến hành vi sinh đẻ, đó cũng là quy luật của thế giới…
Sinh đẻ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội
. Ở góc độ cá nhân, theo ông Quyết định 588 ngoài vấn đề thực tế có tính dự báo gì cho tương lai?
+ Chúng ta cần nhìn theo tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Trung hạn là 30-50 năm, dài hạn tính hàng trăm năm, đặc biệt với tầm nhìn dài hạn, những nước đi trước chúng ta họ đã có mức sinh rất thấp và đã thấy hậu quả. Ví dụ như các nước phát triển ở châu Âu, hoặc những nước Đông Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, gần đây nhất là Trung Quốc… Chúng ta vẫn duy trì mức 2,1 con, còn họ chỉ có 1,1 con, thậm chí dưới như ở Hàn Quốc… dẫn đến hiện trạng họ đang phải đối mặt là thiếu hụt lực lượng lao động, phải nhập khẩu lao động, thứ hai là già hóa dân số. Tỉ lệ người 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản xấp xỉ 30%, ở Hàn Quốc 15%-16% và đang tăng dần lên.
. Tác động của việc đó đến sự phát triển kinh tế, xã hội cụ thể như thế nào, thưa ông?
+ Thực tế đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Người ta cũng dự báo dài hạn rằng đến năm 2200, nếu như tình trạng mức sinh vẫn tiếp diễn như hiện nay, không có cải thiện mức sinh, nhập cảnh, du nhập thì Nhật Bản sẽ tiêu biến, Hàn Quốc cũng làm dự báo tương tự như vậy.
TP.HCM là một trong những địa phương có mức sinh thấp so với mức sinh của các địa phương khác. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Sinh đẻ không chỉ là vấn đề của cá nhân
. Như vậy, việc sinh đẻ không chỉ là vấn đề cá nhân của mỗi cặp vợ chồng?
+ Đúng vậy. Hành vi sinh đẻ của cá nhân là quyền của mỗi người, mỗi cặp vợ chồng nhưng lại có tác động đến sự tồn vong của một đất nước, dân tộc.
Chúng ta chưa giống như các nước có mức sinh rất thấp nhưng xu thế sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như vậy nếu như sự phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi hành vi sinh đẻ của người dân Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ cứ để tự nhiên như đang diễn ra hiện nay.
. Quyết định 588 đưa ra những khuyến cáo, vậy ông đánh giá thế nào về tác động của quyết định đến các gia đình, đặc biệt là người trẻ?
+ Việc thực hiện quyết định này tốt sẽ tác động đến người dân nói chung trong việc sinh đẻ, đặc biệt là lớp trẻ. Mỗi một quyết định đều có độ trễ của nó để đi vào cuộc sống, đặc biệt là những quyết định chính sách, tôi không hy vọng trong một, hai năm nữa tình hình thay đổi được nhưng phải thực hiện kiên trì, lâu dài thì mới thấy được hiệu quả của quyết sách đi vào cuộc sống.
. Xin cám ơn ông.
Tác động của dân số già đến kinh tế - xã hội • Hàn Quốc Năm 2018, tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm xuống con số kỷ lục 0,98. Theo ước tính, đến năm 2067, gần một nửa dân số Hàn Quốc (46,5%) sẽ là nhóm người từ 65 tuổi trở lên. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho việc đảm bảo an sinh xã hội của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Dân số già làm gia tăng gánh nặng tài chính đối với thế hệ trẻ và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Hàn Quốc trong vài chục năm tới. Điều này thậm chí đe dọa tới khả năng quốc phòng vì số lượng thanh niên không đủ duy trì quân số. Một xã hội đang già hóa sẽ kéo tụt mức tăng trưởng đầu tư và hoạt động sản xuất, cuối cùng làm chậm đà tăng trưởng GDP. Đối với chính phủ Hàn Quốc, đất nước họ sẽ có ít lực lượng nhân công hơn để hỗ trợ cộng đồng dân số già, từ đó tạo nên những thách thức mới về mặt tài chính, làm tăng chi tiêu dành cho an sinh xã hội trong khi nguồn đóng thuế lại giảm. Viện Nghiên cứu Hyundai của Hàn Quốc đưa ra dự báo rằng tỉ lệ tăng trưởng tiềm năng của nước này sẽ giảm từ 2,7% xuống chỉ còn 1% ngay trong năm 2030. • Nhật Bản Theo Niên giám nhân khẩu học của Liên Hợp Quốc năm 2020, tỉ lệ trẻ em trong tổng dân số Nhật Bản đã giảm năm thứ 46 liên tiếp và xuống mức thấp kỷ lục 12%. Những người từ 65 tuổi trở lên hiện đang chiếm 28,6% dân số Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đưa ra cảnh báo vào năm 2060, gần 40% dân số nước này là người cao tuổi. Tình trạng dân số lão hóa kéo theo gánh nặng về trợ cấp an sinh xã hội khi số người nhận lương hưu ngày một tăng. Đây cũng là trở ngại lớn cho việc phục hồi tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản khi mà lực lượng lao động trẻ ngày càng ít đi. Do người già chi tiêu ít hơn người trẻ nên thị trường tiêu dùng cũng bị tác động tiêu cực, doanh thu của các doanh nghiệp cũng bị sụt giảm, tình trạng phá sản của doanh nghiệp sẽ tăng. Bên cạnh đó, tỉ lệ tín nhiệm của cả Hàn Quốc và Nhật Bản có thể chịu sức ép tiêu cực do sự kết hợp của đà tăng trưởng kinh tế thấp, khoản nợ Chính phủ tăng, khả năng trả nợ yếu do lực lượng lao động già hóa, đặc biệt là trong khoảng những năm 2030. KIM NGUYÊN |