Viện kiểm sát kháng nghị vụ ‘cơi nới hơn 39 m2 bị đập cả căn nhà’

(PLO)- Theo VKSND tỉnh Đắk Lắk, bản án sơ thẩm áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự để tuyên trách nhiệm bồi thường đối với Chủ tịch UBND phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột là chưa đúng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-10, nguồn tin của PLO cho biết, VKSND tỉnh Đắk Lắk vừa có quyết định kháng nghị đối với bản án hành chính sơ thẩm của TAND TP Buôn Ma Thuột mà người khởi kiện là bà Bùi Thị Hồng Vân, người bị kiện là Chủ tịch UBND phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột.

VKSND tỉnh Đắk Lắk đã kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP Buôn Ma Thuột đối với vụ "dân cơi nới hơn 39 m2 nhưng bị đập cả căn nhà". Ảnh: QN
VKSND tỉnh Đắk Lắk đã kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP Buôn Ma Thuột đối với vụ "dân cơi nới hơn 39 m2 nhưng bị đập cả căn nhà". Ảnh: QN

Theo VKSND tỉnh Đắk Lắk, bản án hành chính sơ thẩm của TAND TP Buôn Ma Thuột đã có một số vi phạm.

Cụ thể, theo phương án cưỡng chế thì UBND phường sẽ cưỡng chế toàn bộ công trình vi phạm. UBND phường thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất 39,4 m2 là đúng Quyết định số 217/QĐ-XPVPHC.

Hành vi xây dựng trên diện tích đất 47,4 m2 là hành vi vi phạm mới theo định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013, UBND phường chỉ lập biên bản hiện trạng mà không lập biên bản vi phạm hành chính mới để xác định vi phạm, không ra quyết định buộc khôi phục hiện trạng ban đầu đối với phần diện tích đất này là thực hiện chưa đúng quy định.

Hơn nữa, tài sản bị cưỡng chế phá dỡ còn có một phần công trình phụ xây dựng trước khi vi phạm, liền kề công trình nhà ở mới xây, UBND phường cưỡng chế phá dỡ cả phần công trình hình thành trước thời điểm vi phạm là không đúng.

Do vậy, cấp sơ thẩm tuyên hành vi cưỡng chế của Chủ tịch UBND là trái pháp luật và buộc bồi thường là có căn cứ.

Tuy nhiên, đây là yêu cầu bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính trong tố tụng hành chính tại Tòa án theo quy định tại khoản 4 Điều 3, Điều 7, Điều 52 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cấp sơ thẩm áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà không áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước để giải quyết vụ án là áp dụng thiếu căn cứ pháp luật.

Hiện trạng nhà ở của bà Vân trước khi phát hiện vi phạm ngày 1-8-2019 là căn nhà cũ xây dựng từ năm 2011. Sau khi có Quyết định xử phạt vi phạm, bà Vân không chấp hành và tiếp tục hành vi xây dựng, hoàn thiện công trình bằng cách xây dựng công trình mới bao quanh căn nhà cũ, thể hiện tại biên bản kiểm tra hiện trạng công trình ngày 10-9-2019 và ngày 13-9-2019.

Sau khi xây dựng công trình mới bao chiếm, bà Vân đã đập căn nhà cũ. Hành vi của bà Vân đã vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật đất đai và điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 102/2014. Do vậy, bà Vân cũng là người có lỗi đối với thiệt hại của mình. Bản án sơ thẩm không xác định lỗi của bà Vân là không đúng.

Bản án sơ thẩm nhận định: Người bị kiện thừa nhận khi tiến hành cưỡng chế phá dỡ, ngoài diện tích bị lập biên bản còn phá dỡ các bức tường của căn nhà cũ. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ hiện trạng tài sản cũ mới, làm căn cứ bồi thường tại thời điểm thiệt hại xảy ra. Cấp sơ thẩm xác định thiệt hại của bà Vân, buộc UBND bồi thường 54,57% giá trị của căn nhà trước thời điểm xảy ra thiệt hại là không đúng quy định tại Điều 22, Điều 23, khoản 2 Điều 55 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước và Nghị định số 68/2018.

Hơn nữa, bản án sơ thẩm không áp dụng quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để giải quyết vụ án nên đã tuyên buộc Chủ tịch UBND phường Ea Tam có trách nhiệm bồi thường là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 54 và điểm c khoản 3 Điều 55 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Do cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, áp dụng không đúng căn cứ pháp luật để giải quyết vụ án, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, xác định thiệt hại, lỗi và tuyên buộc trách nhiệm bồi thường chưa đúng làm ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Từ đó, VKSND tỉnh Đắk Lắk quyết định kháng nghị một phần đối với Bản án hành chính sơ thẩm nói trên. Đề nghị TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy một phần bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà Vân.

Như PLO đã đưa tin, bà Vân đã khởi kiện chủ tịch UBND phường Ea Tam, yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định cưỡng chế ngày 30-10-2019; tuyên hành vi hành chính của chủ tịch UBND phường Ea Tam về việc tổ chức thực hiện cưỡng chế vào ngày 20-3-2020 đối với phần nhà, đất của bà đang sử dụng là sai quy định pháp luật. Đồng thời, bà Vân yêu cầu được bồi thường hơn 370 triệu đồng.

Theo bà Vân, ngoài phá dỡ diện tích vi phạm là 39,4 m2, Chủ tịch UBND phường cưỡng chế phá dỡ toàn bộ căn nhà cũ xây dựng từ năm 2009 của bà là không đúng quy định.

Tại phiên toà sơ thẩm, HĐXX TAND TP Buôn Ma Thuột tuyên hành vi của chủ tịch UBND phường Ea Tam cưỡng chế phá dỡ đối với phần diện tích vượt quá là trái luật.

Ngoài ra, HĐXX tuyên buộc chủ tịch UBND phường Ea Tam phải bồi thường cho bà Vân hơn 202 triệu đồng đối với phần diện tích cưỡng chế vượt quá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm