VKSND Cấp cao tại Hà Nội vừa có thông báo rút kinh nghiệm về vụ án Nguyễn Thị Kim Anh bị TAND tỉnh Hà Tĩnh xử tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Viện, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ.
Nội dung vụ án, từ năm 2009 đến 2017, bị cáo Anh vay của nhiều người với tổng số tiền gần 6,2 tỉ đồng nhưng không có khả năng thanh toán và liên tục bị đòi nợ. Để có tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân, Kim Anh dùng nhiều thủ đoạn gian dối như vay tiền trả ngân hàng để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vay tiền trong một thời gian ngắn sẽ trả lại, vay tiền lần này nữa rồi sẽ thanh toán hết các khoản nợ trước đó…
Từ khoảng tháng 2-2018 đến 8-2019, Kim Anh đã 44 lần thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của 15 người tổng số tiền hơn 3,3 tỉ đồng. Kim Anh đã trả cho sáu bị hại 198 triệu đồng, còn lại không có khả năng thanh toán.
Tháng 11-2020, TAND tỉnh Hà Tĩnh xử sơ thẩm phạt bị cáo Anh 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc phải bồi thường hơn 3,1 tỉ đồng cho các bị hại.
Sau đó, một số bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo vì cho rằng hình phạt đối với bị cáo quá nhẹ, bỏ lọt hành vi phạm tội của bị cáo, bỏ lọt tội phạm.
Tháng 5-2021 TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm nêu trên để điều tra lại theo quy định của pháp luật.
Một phiên toà xét xử hình sự. Ảnh minh hoạ: NGÂN NGA
Theo VKSND Cấp cao tại Hà Nội, những vấn đề cần rút kinh nghiệm là việc tách vụ án không đúng quy định. Vụ án đã gia hạn điều tra hai lần, việc cấp sơ thẩm tách hành vi nhận tiền đối với bảy trường hợp để điều tra, giải quyết bằng vụ án khác là không đúng pháp luật, làm cho việc giải quyết vụ án không triệt để, ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, trái với Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bị cáo Anh là giáo viên tiểu học, không có chức năng tuyển dụng việc làm, bị cáo biết rõ mình không xin được việc nhưng vẫn nhận tiền và hứa xin việc cho những người khác, làm cho những người này tin tưởng giao tiền cho bị cáo, sau đó chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích khác dẫn đến mất khả năng thanh toán…
Hành vi này của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm xác định việc Kim Anh nhận tiền đối với sáu trường hợp khác nữa là quan hệ dân sự, không giải quyết trong vụ án này là trái với quy định của pháp luật, bỏ lọt hành vi phạm tội.
Do việc tách vụ án và bỏ lọt hành vi phạm tội của bị cáo dẫn đến bản án sơ thẩm xác định tư cách tham gia tố tụng của 11 người là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là không đúng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.