Viện Tối cao rút kinh nghiệm vụ cấp đất đền bù sai đối tượng

(PLO)- Theo VKSND Tối cao, một số cán bộ ban giải tỏa đền bù đã thiếu trách nhiệm dẫn đến cấp phiếu bố trí đất sai đối tượng.

VKSND Tối cao vừa ra thông báo rút kinh nghiệm vụ Trần Phước Lộc và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nội dung vụ án, Huỳnh Thị Đào được thừa kế lô đất thuộc thửa đất số 987, diện tích 391m2 tại quận Cẩm Lệ. Năm 2009, bà Đào đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác.

Ngày 24-9-2010, UBND quận Cẩm Lệ ra Quyết định số 5033 thu hồi thửa đất số 987 theo quy hoạch của UBND TP Đà Nẵng.

Do Trung tâm đo đạc bản đồ TP Đà Nẵng nhầm lẫn, quy chủ nhầm thửa đất trên cho chủ cũ là Đào nên Công ty quản lý khai thác đất Đà Nẵng giao cho Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư và xây dựng số 2 (gọi tắt là Ban 2) tính tiền đền bù cho bà Đào.

Ngày 6-7-2011, Ban 2 gửi Thông báo số 1113 với nội dung hộ bà Đào được bố trí một lô đất đường 5,5m hộ chính khu E2 hoặc E2 Mr - khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Phát hiện sai sót, Trung tâm đo đạc bản đồ có công văn gửi Ban 2 điều chỉnh chủ sở hữu thửa đất hiện tại là hộ bà Nguyễn Thị Nữ. Tuy nhiên, Ban 2 không điều chỉnh mà chỉ lưu hồ sơ.

Còn bà Đào biết rõ Ban 2 gửi nhầm thông báo nhưng vẫn bàn với Hồ Văn Kim tìm người làm thủ tục để nhận và bán lô đất tái định cư lấy tiền tiêu xài.

Kim gặp Trần Phước Lộc, nói nếu Lộc làm được thủ tục ra phiếu đất để bán thì số tiền kiếm được sẽ chia đôi Đào và Lộc mỗi người một nửa.

Lộc nhờ Đặng Văn Trinh làm giả biên bản chi tiền đền bừ lần 1, đóng dấu giả của Ban 2, giả chữ ký của kế toán, đưa Đào ký vào vị trí chủ hộ và được Ban 2 ký xác nhận.

Sau đó, Lộc cùng Đào chuyển nhượng lô đất trên với giá 520 triệu đồng, chia đôi như thỏa thuận.

Tháng 11-2019, TAND TP Đà Nẵng xử sơ thẩm, tuyên phạt Lộc bảy năm tù, Đào năm năm tù, Kim hai năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, tòa kiến nghị UBND TP Đà Nẵng có hình thức xử lý đối với cán bộ vi phạm, kiến nghị VKS yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức của Lộc và hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của một số cán bộ ở Ban 2.

Sau phiên sơ thẩm, cả ba bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Cạnh đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị phúc thẩm, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Tháng 6-2020, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm, không chấp nhận kháng cáo và kháng nghị, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Theo VKSND Tối cao, bị cáo Lộc đã hai lần nhờ Đặng Văn Trinh làm giả biên bản chi tiền đền bù, đóng dấu giả của Ban 2, giả chữ ký của kế toán. Sau đó, Lộc dùng các giấy tờ giả này để lừa dối cán bộ ở Ban 2 và lừa chuyển nhượng đất, chiếm đoạt 520 triệu đồng.

Hành vi của Lộc có dấu hiệu phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức nhưng mới bị điều tra, truy tố, xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trinh có hành vi giúp Lộc làm giả các biên bản chi tiền đền bù đất của Ban 2 nhưng người này đã chết nên không truy cứu trách nhiệm hình sự với Trinh.

Một số cán bộ Ban 2 đã có hành vi thiếu trách nhiệm, không làm hết nhiệm vụ được giao, không phát hiện hành vi làm giả biên bản chi tiền đền bù, dẫn đến việc ký xác nhận vào biên bản và cấp phiếu bố trí đất sai đối tượng.

Khi nhận được công văn của Trung tâm đo đạc bản đồ yêu cầu điều chỉnh chủ sở hữu thửa đất 987, Ban 2 không điều chỉnh. Hành vi nêu trên của một số cán bộ Ban 2 tạo điều kiện cho các bị cáo lừa đảo.

Quá trình xét xử, tòa án cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần yêu cầu làm rõ các vấn đề trên nhưng cơ quan điều tra và VKS giữ nguyên quan điểm không truy cứu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới