Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hôm nay, 7-3, cho biết Australia đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, theo Reuters.
Phát biểu trước cuộc họp tại Canberra, ông Albanese nói: “Việc nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày hôm nay sẽ giúp cho Australia và Việt Nam trở thành các nước đối tác rất quan trọng của nhau”.
Thủ tướng Australia đón tiếp Thủ tướng Việt Nam theo nghi thức trọng thể nhất
Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia được tuyên bố trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 4 đến 9-3, trong đó ông tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese.
Chủ trương nâng cấp quan hệ ngoại giao được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tới hôm 5-3, theo đó sau khi nâng cấp, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia sẽ tương đương với quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Lễ đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã được tổ chức sáng nay 7-3, theo giờ Canberra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và phu nhân.
Lễ đón được tổ chức theo nghi thức trọng thể nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ nước ngoài thăm Australia, tại tòa nhà Quốc hội nằm trên đồi Capital ở Thủ đô Canberra, dưới sự chứng kiến của nhiều người dân Canberra và du khách đang thăm tòa nhà Quốc hội.
Bước tiến vượt bậc
Theo Bộ Ngoại giao, chuyến thăm chính thức Australia lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh sau hơn 50 năm thiết lập ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến vượt bậc, đạt kết quả toàn diện.
Mức độ tin cậy chính trị hai bên được gia tăng, được cho là cao nhất từ trước đến nay. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, ngay cả trong đại dịch COVID-19. Hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 13,8 tỉ USD. Hiện Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 10 của Australia.
Australia hiện có hơn 600 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD, đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 92 dự án đầu tư sang Australia với tổng vốn đầu tư là 552,7 triệu USD, đứng thứ 11/80 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Australia.
Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam; cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam. Hợp tác du lịch, lao động, hợp tác giữa các địa phương hai nước đang phát triển tốt đẹp. Đặc biệt, với khoảng 350.000 người, cộng đồng người Việt tại Australia đang đóng góp quan trọng cho quan hệ hai nước.
Chuyến thăm Australia lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp để hai nước cùng đánh giá những bước phát triển của quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt trong việc triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên, cũng như những thoả thuận cấp cao mà hai bên đã đạt được thời gian qua.
Đồng thời, hai bên sẽ định hướng hợp tác thời gian tới, trong đó nhấn mạnh các mục tiêu hợp tác thương mại, thúc đẩy đầu tư từ Australia vào Việt Nam và từ Việt Nam sang Australia.
Nhu cầu từ cả hai bên
Theo Tạp chí Cộng sản, nằm trong số các quốc gia phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam trước năm 1975, cái tên Australia đã được nhắc tới trong văn kiện Đại hội VI của Đảng. Các kỳ Đại hội Đảng tiếp theo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Australia nói riêng luôn nằm trong hướng ưu tiên triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Về phía bạn, năm 2012, trong Sách trắng “Australia trong thế kỷ châu Á”, Australia nhìn nhận: (1) Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thương mại và đầu tư của khu vực; (2) Australia sẽ tập trung gắn kết hơn nữa với các cường quốc khu vực như Việt Nam về các vấn đề an ninh và bền vững. Năm 2017, Sách trắng về Chính sách đối ngoại của Australia tiếp tục coi trọng vị trí và vai trò Việt Nam trong chiến lược cân bằng quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong các cuộc gặp, tiếp xúc cấp cao gần đây, lãnh đạo Australia luôn coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đánh giá cao thành tựu, đường lối, chính sách đối ngoại đổi mới của Đảng CSVN và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam trong cả khuôn khổ song phương và đa phương, hướng tới nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Bài viết trên Tạp chí Cộng sản cũng nhận xét Australia có hệ thống chính trị hoạt động ổn định. Hệ thống lưỡng đảng giữa Liên minh Đảng Tự do - Quốc gia và Công đảng và đề cao tính minh bạch, dễ dự báo. Bất kể là đảng nào cầm quyền, nét chung trong chính sách đối ngoại của Australia là lấy quan hệ liên minh Australia - Mỹ làm xương sống, coi trọng phát triển quan hệ với các nước châu Á nói chung và với Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh nền chính trị ổn định, Australia được xếp hạng trong tóp 5 quốc gia toàn cầu về Chỉ số tự do kinh tế (IEF). Việc quản lý và kiểm soát tham nhũng hiệu quả của Australia đã tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn và an ninh cho cộng đồng quốc tế. Trong thời gian qua, kinh tế Australia liên tục duy trì được mức tăng trưởng dương, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia chiếm 2% nền kinh tế toàn cầu, trong khi dân số chỉ chiếm 0,3% của thế giới. Nguồn lực này của Australia góp phần không nhỏ vào việc tăng cường kết nối kinh tế - thương mại hai nước trong tương lai.
Trao đổi, ký kết 12 văn kiện quan trọng
Theo VGP, sáng 7-3, sau khi hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện và chứng kiến lễ trao 11 văn kiện hợp tác quan trọng khác trên các lĩnh vực giữa hai nước. Cụ thể,
1. Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Bộ Giáo dục hai nước.
2. Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học và Nguồn lực Australia về việc thành lập Đối thoại cấp bộ trưởng về năng lượng và khoáng sản.
3. Bản ghi nhớ giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam với Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia về nghiên cứu nông nghiệp để tăng cường hợp tác nông lâm ngư nghiệp.
4. Bản ghi nhớ giữa Bộ KH&CNghệ Việt Nam và Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
5. Bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Dự trữ Australia.
6. Thỏa thuận Đối tác gìn giữ hòa bình giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia.
7. Bản ghi nhớ hợp tác tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Australia.
8. Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về việc hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp Australia.
9. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia.
10. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam và Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia.
11. Thỏa thuận hợp tác về theo dõi rặng san hô giữa Viện Hải dương học Việt Nam và Viện Khoa học hàng hải Australia.