Tre là loại cây nguyên liệu đang được trồng ở 37 địa phương trên cả nước, diện tích khoảng 1,5 triệu ha. Mỗi năm, loài cây thân thuộc này đưa vào thu hoạch, chế biến 6 tỷ cây - 3 triệu tấn, mang lại giá trị xuất khẩu trên 300 triệu USD/năm, và đang có cơ hội phát triển rất tốt.
|
Đây là thông tin đầu vào, cũng là lý do để Bộ NN&PTNT phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo về tre nguyên liệu đối với sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam, ngày 4-8.
|
Trần tre ở sân bay quốc tế Madrid, Tây Ban Nha. Nguồn: SCBV |
Tiềm năng rất lớn
Theo đánh giá của Dự án phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị cây tre ở Việt Nam, thị trường tre thế giới đang phát triển, với quy mô dự kiến đến năm 2028 lên tới 82,9 tỉ USD.
Hiện Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu tre trên thế giới, sau đó là EU, Philippines, Canada, Mexico, Việt Nam. Các nước nhập khẩu tre nhiều nhất là EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Nằm trong số các quốc gia có thế mạnh về ngành tre, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu sang các thị trường Nhật, Mỹ, EU. Tuy nhiên, giá trị hàng xuất đi còn tới 65% là nguyên liệu tre chưa qua chế biến, còn thiếu các sản phẩm công nghiệp có giá trị cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho biết giá trị của cây tre rất lớn nên từ năm 2011, Thủ tướng đã ra quyết định về phát triển cây tre Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, ngành hàng này còn thiếu gắn kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người trồng. Việc triển khai vùng nguyên liệu lớn để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu còn nhiều bất cập.
Nâng cao khả năng cạnh tranh
|
Ngành tre Việt Nam đang mang lại giá trị xuất khẩu trên 300 triệu USD/năm. Ảnh: An Hiền. |
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng ngành hàng tre Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ phía Trung Quốc - với nền sản xuất sản phẩm tre không chỉ dẫn đầu về sản lượng mà còn dẫn đầu về năng lực kỹ thuật và chất lượng.
Giải pháp cho thách thức này không chỉ là đối đầu trực tiếp bằng chất lượng, giá cả, mà doanh nghiệp trong nước còn phải tìm tòi, phát triển những sản phẩm cùng loại.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho biết: “Nhà máy của Sao Thái Dương đang sản xuất các sản phẩm công nghiệp như ván ép tre thay thế cho gỗ. Ngoài ra, chúng tôi cũng sản xuất một số sản phẩm không có trên thị trường, không bị cạnh tranh với Trung Quốc như tấm lót đường, hiện không đủ hàng để bán”.
Cũng theo ông chủ Sao Thái Dương, ứng dụng trên cây tre còn rất nhiều, như bia tre, rượu tre, giấy tre... đều rất tiềm năng trong tương lai. Bên cạnh đó, với xu hướng tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường thì các sản phẩm từ tre trong tương lai còn có thể làm thay đổi ngành xây dựng, phân bón, nhựa… trên thế giới.
“Ví dụ như nghiên cứu các hạt tre thay thế cho nhựa, nghiên cứu ra phân bón từ tre, các vật liệu dùng để dán tường, xây nhà, làm nội thất. Việc nghiên cứu hạt tre thay thế cho nhựa là sản phẩm rất đặc biệt, chúng tôi đã nghiên cứu cùng đối tác ở Đan Mạch được 6 năm và về cơ bản đã thành công. Hiện chúng tôi vẫn đang nghiên cứu thêm để có chất kết dính hữu cơ có thể sản xuất được một lượng lớn” - ông Nghĩa tiết lộ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc sớm hình thành Hiệp hội Tre luồng Việt Nam. Hiệp hội sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp, người trồng tre trong nước, qua đó thúc đẩy liên kết các chuỗi giá trị trong ngành hàng tre Việt Nam.