Học đại học trên thế giới ảo
Không giống như các chương trình đào tạo trực tuyến trước đó, sinh viên theo học chương trình TOPICA có thể “đến trường”, “vào lớp” ngay tại nhà và giao tiếp với thầy giáo và bạn học qua một hình đại diện (avatar) trong môi trường ảo giống của trò chơi trực tuyến Second Life.
|
TOPICA cung cấp một môi trường sư phạm ảo hoàn toàn mới. Ảnh: Tuấn Linh |
Theo ông Cao Công Minh, trưởng phòng Marketing của TOPICA, chương trình này ngoài việc giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho việc học tập còn giúp người học có điều kiện thực hành các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho cho công việc trong tương lai.
Dẫn chứng cho lời ông Minh, Phó Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Thanh Nghị cho biết: “Sinh viên ngành Tài chính kế toán có thể tham gia thực hành quy trình kế toán vật tư, trong đó học được đóng vai kế toán viên, học cách kiểm tra các hợp đồng, chứng từ, giao tiếp với các sinh viên khác đóng vai đối tác, đồng nghiệp”.
Ông Nghị cho biết thêm: "Nhiều trường đại học danh tiếng thế giới đã áp dụng phương pháp học tập này. Đại học Havard đã tổ chức các buổi xử án ảo cho sinh viên ngành Luật; Đại học Ohio tập trung vào giảng dạy nghệ thuật và âm nhạc cũng qua môi trường 3D".
Từng tham gia một lớp học trực tuyến khi còn học đại học, anh Nguyễn Quang Tùng hiện làm việc tại Công ty Yurtech (KCN Bắc Thăng Long) cho biết, TOPICA thực sự có nhiều ưu điểm so với các chương trình E-learning cũ.
Anh Tùng nhớ lại, cả học kỳ chỉ được gặp thầy giáo có một vài lần. Việc nhận các giáo trình, tài liệu, đề tài hoàn toàn thực hiện qua e-mail. “Tuy có tiết kiệm thời gian nhưng rất bất tiện. Sự trao đổi giữa thầy trò gần như không có”, anh Tùng nói.
Chỉ là yếu tố hỗ trợ
Tuy thể hiện nhiều ưu điểm nhưng TOPICA vẫn chỉ được những người trong cuộc đánh giá là một công cụ hỗ trợ cho học tập chứ không thể là một giải pháp thay thế cho các phương pháp học truyền thống.
Theo anh Quang Tùng, phương pháp đào tạo E-learning nói chung cần phải có nhiều điều kiện từ phía người học, người dạy... Anh Tùng nhớ lại, khi còn học đại học nhiều bạn cùng lớp đã rất vất vả khi áp dụng phương pháp học này. “Nhiều bạn cùng lớp ở quê mới lên thành phố học nên để sử dụng vi tính thành thạo đã mất rất nhiều thời gian chứ chưa nói đến việc tham gia học trên mạng”.
|
Một trong những điều kiện để học các chương trình trực tuyến là người học cần phải thực sự tập trung và có ý thức tự giác cao trong học tập. Ảnh: Tuấn Linh |
Anh Nguyễn Minh Hoàng đang theo học ngành kinh tế tại trường ĐH Concordia, Canada, cho biết, việc học trực tuyến trên thế giới 3D chỉ áp dụng cho một số chứ không phải là tất cả các môn học.
Trong mỗi học kỳ ngành kinh tế của trường Concordia có từ 8 đến 9 các môn ở level 1 và 2 (mức độ dễ), 5 đến 6 các môn level 3 (mức độ khó) và 1 đến 2 các môn level 4 (mức độ rất khó). “Khi đăng ký, các sinh viên chỉ dám chọn phương pháp trực tuyến cho các môn dễ. Những môn khó thì lời khuyên là không nên”, Hoàng cho biết.
Học ngành kinh tế ở ĐH Evansville (Indiana, Mỹ), anh Nguyễn Trường An cho biết, hiện giờ phương pháp đào tào trực tuyến 3D ở trường Evansville mới chỉ mới áp dụng cho những người theo học chương trình cao học. Theo Trường An, có hai lý do: Không phải trường nào cũng đủ khả năng để phổ biến phương pháp này và “sinh viên theo học trên lớp đã rất mệt rồi”, An nói.
Còn theo giảng viên Khoa CNTT Đặng Xuân Hà, ĐH Nông nghiệp I, việc học trực tuyến có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhiều hạn chế. Việc không tiếp xúc trực tiếp giữa người dạy và người học đòi hỏi sinh viên phải có tính tự giác rất cao mới theo học phương pháp này. Đó là chưa kể các tệ nạn vẫn thường được nhắc đến trong thế giới của Second Life có thể tác động tới người học.
Second Life là ứng dụng trực tuyến 3 chiều đem đến cho người tham gia cảm giác trải nghiệm đời thực: có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tư vấn, du lịch và học tập… Có rất nhiều tập đoàn, công ty, tổ chức uy tín như IBM, Sony, BMV, Microsoft, thậm chí là Đại sứ quán Thụy Điển và nay là các trường Đại học danh tiếng như Havard, Oxford, Phoenix xây dựng trụ sở, khuôn viên, văn phòng... trên mạng. Đã có nhiều tập đoàn tiết kệm hàng triệu USD, nhiều người kiếm bạc tỷ trên thế giới ảo nhưng Second Life vẫn chỉ được coi như một trò chơi dù là một trò chơi nghiêm túc.
Theo Tuấn Linh ( Đất Việt)