Viết tiếp chuyện 'Người Sài Gòn kỳ thiệt': Tôi mang ơn người Hà Nội

 Ấm chè miễn phí của cô Sen

Cô Nguyễn Thị Hồng Sen (trái). Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Cô là Nguyễn Thị Hồng Sen, cô mở quán nước nhỏ trên đường Trần Xuân Soạn. Chồng cô mất sớm, con gái sinh năm 1976 nhưng bị bệnh tâm thần. Với những người lao công, bốc vác, đi khám bệnh qua đây uống nước cô mời không lấy tiền. Còn với những người xung quanh một cốc nước cô chỉ bán 1.000-2.000 đồng. Nước chè cô bán đặc như mật ong đựng trong cốc to (loại cốc thủy tinh dùng để uống bia. Cô bảo cốc nhựa rẻ nhưng dễ bị ung thư, lại bẩn nên cô không dùng).

Ở Hà Nội, nghề bán trà đá là một trong những nghề hái ra tiền. Những ngày đầu biết chuyện cô mở quán nước mà không thu tiền người lao động nghèo không ít người chê bà “gàn”, lo chuyện bao đồng thiên hạ. Người biết chuyện thì thương, người không hiểu chuyện thì trách mắng bà cướp miếng cơm của người khác.

Cuộc sống đắt đỏ nơi thị thành, “miễn phí” dường như là một khái niệm xa xỉ. Người ta bảo một người bị đau chân thì có lúc nào quên đi cái chân đau của mình để nghĩ cho một cái gì đó khác đâu. Nhưng quán chè miễn phí của cô Sen chính là một minh chứng xã hội vẫn còn có những con người như thế - họ tạo ra niềm vui cho người khác như một cách để xoa dịu nỗi đau cho mình.

Khi tôi ngỏ ý muốn chụp một bức ảnh cô cùng con gái, cô lắc đầu: “Thôi cháu đừng chụp. Nhìn con bé như thế người ta lại nghĩ khác. Cháu cứ viết để những người lao động nghèo nếu có lỡ qua đây thì biết vào uống nước chè miễn phí là được rồi. Cốc nước chẳng đáng là bao nhưng nhìn những người bốc vác, lao công chắt chiu từng đồng mà có mấy ngụm nước có khi còn bị chặt chém cô xót lắm”.

Ông lão vá xe ở 976 đường Láng

Đúng ngày này hai năm trước, tôi gặp ông. Ông là người Hà Nội. Ông đã gần 70 tuổi rồi, ông cười móm mém vì răng ông bị rụng gần hết. Tôi không còn nhớ  ông tên là gì, chỉ nhớ ông vá xe ở 976 đường Láng. Năm đó, tôi là sinh viên năm cuối ại học.

Kì thi sắp tới, tôi phải ở lại thư viện tìm thêm tài liệu để làm bài. Hơn 7 giờ tối ngày hôm đó, dắt xe ra khỏi cổng trường, tôi méo mặt khi phát hiện ra bánh trước con ngựa sắt của mình đã bị xẹp lép, không còn một tí hơi. Vừa đói vừa mệt, trong người tôi lúc đó chỉ còn 16.000 đồng.

Ở Hà Nội không thiếu người vá xe đạp, nhưng vì đã tối nên nhiều cửa hàng đã đóng cửa, có người chỉ nhận bơm không vá, có người bận ăn không làm, lại có người đòi 20.000 đồng mới làm trong trong khi bình thường chỉ mất 5.000-7.000 đồng/miếng vá. Tôi cũng muốn trả nhanh còn về nhưng còn tiền đâu mà trả, vậy là lại dắt bộ tiếp, hy vọng tìm được quán hàng rẻ hơn chút ít.

Hà Nội những ngày tháng 5, trời đã về đêm mà vẫn oi bức đến bực mình. Đúng lúc này tôi gặp ông. Đó là quán sửa xe đạp nho nhỏ nằm bên gian hàng nước nho nhỏ trên đường Láng. Lúc này dù có bảo 50.000 đồng tôi cũng gật đầu, cùng lắm thì để chứng minh thư hoặc điện thoại lại. Nhưng tôi vẫn phải hỏi dò trước để xem ông có cho "cầm đồ" không, kết quả ông bảo vá xe hết 6.000 đồng. Tôi  phải hỏi lại lần thứ hai mới chắc chắn. Lúc đó, ông giống như ông Bụt bước ra từ câu chuyện cổ tích, tất cả giống như một phép màu.

Rẻ là một chuyện nhưng khi vá xong ông còn đưa nước ra thử lại lốp một lần nữa rồi mới lắp vào. Sửa xong tôi trả ông 10.000 đồng để cám ơn nhưng ông không nhận. Ồng bảo "Vá xe đạp trước 10 giờ tối ông lấy 6.000 đồng, sau 10 giờ ông mới lấy 10.000 đồng, với ai cũng thế, cháu còn sinh viên lấy đâu ra tiền". Nói mãi ông không nhận nên tôi mời ông uống nước, ông cười khà khà bảo: "Ta trông nước cho nhà nó, uống nước không mất tiền, hôm nào sửa gì cứ qua đây ông sửa cho" rồi phất tay bảo về đi.

Phải kể thêm một chút là bốn năm đại học tôi ở nhờ nhà bác, nhà cách trường hơn 10 cây số. Bốn năm ròng, tôi đều đạp xe đi học. Nếu không có ông sửa giúp, tối hôm đó chắc phải gần 10 giờ đêm tôi mới dắt xe về đến nhà.

 

Viết tiếp chuyện 'Người Sài Gòn kỳ thiệt': Tôi mang ơn người Hà Nội ảnh 2
Học trò cũ về tặng hoa mẹ Phúc nhân ngày 20-11. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Hà Nội còn rất nhiều những con người như thế!

Đó là mẹ Phúc (Nghệ sĩ Phan Phúc), người sáng lập và có công gìn giữ CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật, mái nhà chung của hàng trăm trẻ em khuyết tật. Người đàn bà ấy đã đi nhặt, sửa  từng chiếc máy khâu, tủ đồ hàng xóm không dùng nữa cho các em. Người đàn bà ấy tự bỏ tiền túi của mình và kêu gọi bạn bè tiền tổ chức triển lãm ảnh cho các em, đưa các em đi thi vì mẹ Phúc tin rằng “Con người ta có thể thiếu một bộ phận nào đó trên cơ thể, khiếm khuyết một điều gì đó trong bộ não về bộ não nhưng nếu được chăm sóc yêu thương các em sẽ tiến bộ và dần dần hòa nhập được với cộng đồng”.

Đó là ông Đỗ Sáng Luyện, người suốt hơn 20 năm qua lặn lội nhặt rác xung quanh khu di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp - nơi duy nhất lưu giữ xác máy bay B52 rơi ở nội thành Hà Nội…

Gần năm năm học tập, sinh sống ở Hà Nội, tôi mang ơn rất nhiều người. Xa Hà Nội để vào Nam lập nghiệp, hành trang tôi mang theo không chỉ là tiền bạc, kiến thức mà còn là tấm lòng của người Hà Nội. Nói “ở đâu cũng có người tốt người xấu” thì nó lại thành nhàm. Nhân câu chuyện “Người Sài Gòn kì thiệt” tôi xin chia sẻ một vài câu chuyện nhỏ về người Hà Nội.

Đừng chỉ “nghe nói”, hãy đi và cảm nhận để thấy rằng xung quanh ta còn có rất nhiều người như thế!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm