Tối ngày 15-12, Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đã được Bộ Công Thương tổ chức long trọng tại Hà Nội.
Đến dự Lễ trao tặng có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Bộ đã nhận được 92 hồ sơ của 15 Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi đến đề nghị xét tặng danh hiệu cho 10 Nghệ nhân Nhân dân và 82 Nghệ nhân Ưu tú.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: BCT
Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước đã nghiên cứu hồ sơ, tổ chức đoàn công tác đi đến tận cơ sở của 92 nghệ nhân, đánh giá thực tế; bỏ phiếu lựa chọn, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 4 cá nhân, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 1 cá nhân và phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cho 72 cá nhân.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, những “báu vật nhân văn sống” đã lưu giữ những tinh hoa của nghề thủ công truyền thống. Đồng thời không ngừng sáng tạo để có thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, vừa phát huy được truyền thống dân tộc vừa thể hiện sức sáng tạo của nghệ nhân trong điều kiện hội nhập quốc tế, góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt trong khu vực và trên thế giới.
"Các nghệ nhân được vinh danh hôm nay là sự trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công lao, tài năng của nghệ nhân" - Phó chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" cũng chia sẻ: Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng cho các nghệ nhân, là sự ghi nhận công lao to lớn và thể hiện sự tri ân dành cho các nghệ nhân đã có cống hiến không mệt mỏi trong việc gìn giữ và phát triển vốn quý thủ công mỹ nghệ nước nhà.
Trao tặng danh hiệu cho các nghệ nhân. Ảnh: BCT
"Với vai trò, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác phong tặng nghệ nhân ở các năm tiếp theo. Hiện nay, với tinh thần vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ ngành hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm biến thách thức thành cơ hội, tạo sự đột phá mới cho sự phát triển của ngành hàng truyền thống đặc biệt này" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Hiện cả nước có gần 66 nghìn cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có 81 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được công nhận đã thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia vào các nghề truyền thống. Thu nhập bình quân mỗi lao động đạt 4-5 triệu đồng/tháng, cao gấp hơn hai lần lao động thuần nông.
Hiện sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nước ta đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng góp tích cực tăng nguồn thu ngoại tệ, phát triển ngành du lịch, đống thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc.