VKS đề nghị giảm án cho Dương Tự Trọng

Ngày 22-5, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử vụ nguyên phó giám đốc Công an TP Hải Phòng Dương Tự Trọng và các đồng phạm tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài.

Dương Tự Trọng phủ nhận vai trò chủ mưu

Đầu phiên xử, Dương Tự Trọng khóc nấc trước vành móng ngựa và cho biết sáng nay mới biết tin cha của thuộc cấp cũ Vũ Tiến Sơn mới mất nên quá xúc động.

Khi lấy lại bình tĩnh, Dương Tự Trọng phủ nhận vai trò chủ mưu, cầm đầu, tổ chức đưa anh trai trốn ra nước ngoài. Bị cáo cho rằng việc quyết định trốn, trốn đi đâu đều do anh trai quyết định, mình vì thương anh trai nên không thể ngăn cản mà chỉ cung cấp phương tiện, nhờ người giúp đỡ. “Chiều tối 17-5-2012, anh Dũng báo tin sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam và anh Ngọ khuyên tạm lánh một thời gian, tôi sốc hoàn toàn. Khi anh Dũng bảo bố trí xe đón anh thì tôi làm theo. Tôi biết giúp anh bỏ trốn là vi phạm pháp luật nhưng nghĩ anh ấy xuất nhập cảnh trái phép mà lần vi phạm đầu tiên chỉ bị xử lý hành chính, nếu phạm tội mức án cao nhất chỉ hai năm tù, còn chúng tôi là tội che giấu tội phạm. Bây giờ tòa xử tội gì chúng tôi cũng phải chấp nhận” - Dương Tự Trọng nói.

Chủ tọa hỏi: “Ai quyết định việc bỏ trốn?”. Dương Chí Dũng (ra tòa với vai trò nhân chứng) trả lời: “Tôi quyết định. Tôi không định bỏ trốn hẳn mà chỉ tạm lánh một thời gian theo lời khuyên của anh Ngọ. Các bị cáo khác chỉ giúp tôi, nếu không giúp tôi vẫn có thể tự đi được. Ban đầu tôi đi Móng Cái - Quảng Ninh định trốn sang Trung Quốc nhưng bấm độn thấy hướng Bắc không tốt nên chuyển sang hướng Tây Nam và quyết định đi Campuchia để sang Mỹ với con gái”.

Bị cáo Dương Tự Trọng bị dẫn giải về trại giam sau phiên xử. Ảnh: BÌNH MINH

Vì tình anh em nên giúp phạm pháp

Dương Chí Dũng khai thêm: “Giờ tôi mới thấy đó là sai lầm khi em và các bị cáo khác vì tôi mà bị như vậy. Họ không được lợi gì cả. Lúc đó tôi muốn đi một mình, em tôi không cho vì sợ tai nạn giao thông dọc đường nên mới nhờ người giúp lấy xe đưa đi”.

Chủ tọa hỏi lại Dương Tự Trọng: “Vì sao không để Dương Chí Dũng đi một mình mà cho nhiều người cùng đi?”. Trọng đáp: “Anh tôi là doanh nhân, ra ngoài xã hội không quen biết nhiều, tôi lo gặp tai nạn, không an tâm nên nhờ các anh em thân thiết giúp”.

Khi xét hỏi, các bị cáo khác đều đồng loạt cho rằng không biết rõ hành vi phạm tội của Dương Chí Dũng, chỉ nghĩ đơn giản do Dương Tự Trọng nhờ giúp đỡ Dũng, vì tình anh em nên thực hiện.

Nhận lỗi về mình, Dương Tự Trọng đề nghị tòa giảm án cho các đồng phạm. Trọng nói: “Tôi không ép buộc anh em, khi tôi nhờ thì anh em giúp. Các anh em cũng không biết rõ mọi việc ngay lúc ấy nên không có chuyện bàn bạc. Có một nguyên tắc nữa của anh em làm hình sự là không hỏi nhiều. Từ xưa đến nay chỉ đạo công việc này là áp đặt. Thói quen nghề nghiệp là tự động chấp hành”.

Cạnh đó, bị cáo cho rằng bản án sơ thẩm đánh giá các bị cáo phạm tội nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi… là áp đặt, nặng tính dư luận. “Tôi ở cơ quan điều tra khá lâu, tôi không sợ tù, tôi làm tôi chịu. Tất cả đều là anh em thân tình, xem như ruột thịt, trừ Dũng Bắc Kạn. Khi gia đình có việc, tôi nghĩ đến nhờ những người thân nhất thôi. nếu tôi có thủ đoạn tinh vi cấu kết với các đối tượng ngoài xã hội thì ở Hà Nội tôi có rất nhiều. Việc trốn ra nước ngoài thì khâu quan trọng nhất là qua biên giới. Mà lúc sang biên giới thì anh Dũng thuê xe ôm tự đi”. Về việc sử dụng SIM rác liên lạc, bị cáo cho rằng là chuyện bình thường của cảnh sát hình sự.

VKS: Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Đại diện VKS khẳng định việc tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: Gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án Vinalines, gây khó khăn cho công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, làm dư luận hoài nghi đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Các bị cáo phạm tội có tổ chức, bàn bạc, phân công, mỗi bị cáo được giao mỗi việc nhưng cấu kết chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của Dương Tự Trọng. Thủ đoạn phạm tội tinh vi, thay đổi phương tiện đi lại, điện thoại, sử dụng SIM rác liên lạc nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra.

Trong vụ án, Dương Tự Trọng giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Bị cáo là cán bộ cấp cao công tác nhiều năm trong ngành công an, biết Dương Chí Dũng phạm tội nhưng không giữ vững lập trường, lại cấu kết với một số đối tượng xã hội có tiền án, tiền sự, chỉ đạo thuộc cấp, sử dụng nghiệp vụ tổ chức đưa anh trai trốn ra nước ngoài. Do thái độ không khai báo trong quá trình điều tra và ở phiên tòa sơ thẩm nên tòa sơ thẩm đã áp dụng mức án nặng. Tuy nhiên, sau phiên sơ thẩm, bị cáo đã nhận thức lại, có đơn thừa nhận hành vi phạm tội và khai báo thành khẩn nên cần giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với Vũ Tiến Sơn, Trần Văn Dũng, Đồng Xuân Phong, Nguyễn Trọng Ánh phạm tội có động cơ xuất phát từ tình cảm nể nang, không vì lợi ích vật chất nên đại diện VKS cũng đề nghị tòa xem xét giảm một phần hình phạt.

Riêng bị cáo Phạm Minh Tuấn giữ vai trò thấp nhất trong vụ án, chỉ có một hành vi duy nhất là đưa Dương Chí Dũng từ Hà Nội đi Quảng Ninh nên mức án sơ thẩm phạt năm năm tù là khá nặng. Lẽ ra có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt nhưng Tuấn có đơn kêu oan nên VKS tập trung chứng minh bị cáo oan hay không chứ không đề cập đến việc giảm án. Theo đó, Tuấn kinh doanh trong lĩnh vực vận tải thủy bộ nên không thể không biết về vụ Vinalines. Khi cùng với Hoàng Văn Thắng (không kháng cáo) đưa một quan chức hàng hải cấp cao từ Hà Nội về Quảng Ninh trong đêm khuya, Tuấn phải có nhận thức được việc bất thường. Chính Thắng cũng khai lúc đó biết đưa Dũng đi trốn nên không thể nói Tuấn không biết.

Chiều 23-5, tòa sẽ tuyên án.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới