VKS: Việc xét xử bà Nhàn AIC rất kịp thời, ‘có trốn cũng không trốn được’

(PLO)- Đại diện VKS nhận định việc xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn và những người đang bỏ trốn trong vụ AIC là rất kịp thời, thể hiện tinh thần “có trốn cũng không trốn được”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đại diện VKSND Hà Nội vừa đề nghị mức án đối với 36 bị cáo trong vụ án hối lộ và vi phạm đấu thầu xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty CP tiến bộ Quốc tế AIC.

VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt hai bị cáo Trần Đình Thành (cựu bí thư tỉnh ủy) 10-11 năm tù và Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh) 9-10 năm tù, cùng về tội nhận hối lộ.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch Công ty AIC) bị đề nghị phạt 16-17 năm tù về tội đưa hối lộ, 14-15 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù (mức án tù có thời hạn cao nhất theo quy định)…

Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy bị cáo bị truy nã, xét xử vắng mặt

Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy bị cáo bị truy nã, xét xử vắng mặt

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị bà Nhàn cùng các bị cáo liên đới bồi thường cho UBND tỉnh Đồng Nai số tiền thiệt hại hơn 152 tỉ đồng; đồng thời tịch thu số tiền thu lời bất chính của các công ty, pháp nhân có liên quan trong vụ án.

Theo kiểm sát viên, vụ án này có tới tám người trước hoặc sau khi vụ án bị khởi tố đã xuất cảnh khỏi Việt Nam để trốn tránh trách nhiệm, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Cơ quan tố tụng đã phát lệnh truy nã, đồng thời kêu gọi nhóm trên ra đầu thú nhưng đến nay chưa có kết quả.

Dù vậy, kiểm sát viên khẳng định căn cứ kết quả điều tra, tài liệu hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi tại phiên tòa, có đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội nhưng bản cáo trạng truy tố.

Đại diện VKS nhấn mạnh, việc tòa án Hà Nội đưa vụ án ra xét xử dù nhiều người đang bị truy nã như đã nêu là rất kịp thời, cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, trên tinh thần đã phạm tội thì dù bỏ trốn cũng không thể trốn tránh trách nhiệm.

Về vai trò cụ thể hóa, VKS xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn sử dụng các mối quan hệ cá nhân với những người có chức vụ, quyền hạn tại tỉnh Đồng Nai nhằm đưa hối lộ để những người này chỉ đạo cấp dưới làm trái công vụ, tạo điều kiện cho Công ty AIC hưởng lợi bất chính về vật chất.

Quá trình điều tra, bảy bị cáo bỏ trốn và Hoàng Thị Thúy Nga (phó tổng giám đốc AIC) chưa thành khẩn khai báo. Riêng bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) dù đang bị truy nã nhưng đã có đơn gửi đến tòa án, thừa nhận hành vi vi phạm và nộp lại số tiền gần 2 tỉ đồng.

Đại diện VKS lưu ý về việc phân hóa trách nhiệm của các bị cáo, ngoài những người đóng vai trò chính thì cũng có những người chịu sự chỉ đạo, vai trò thấp, nên cần được hưởng mức án thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Theo VKS, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) lợi dụng sự quen biết với Trần Đình Thành (cựu bí thư tỉnh ủy) để được ưu ái tham gia dự án xây dựng BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Tiếp đó, bị cáo Nhàn chỉ đạo cấp dưới thực hiện một loạt chiêu trò vi phạm pháp luật như nâng khống năng lực dự thầu, thiết lập “quân xanh”, cấu kết với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thầu và thẩm định giá… để liên tiếp trúng 16 gói thầu thiết bị y tế.

Chuỗi hành vi trên gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 152 tỉ đồng.

Quá trình thực hiện dự án, bị cáo Nhàn và cấp dưới tại AIC nhiều lần đưa hối lộ cho Trần Đình Thành với tổng số tiền 14,5 tỉ đồng, Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh) 14,5 tỉ đồng, Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Sở Y tế, cựu giám đốc BV đa khoa Đồng Nai) 14,8 tỉ đồng…

Vụ án xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai là minh họa điển hình cho yếu tố lợi ích nhóm, sự cấu kết giữa doanh nghiệp và người có chức vụ, quyền hạn. Chỉ vì lợi ích cá nhân, các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trục lợi, làm cho một bộ phận cán bộ công chức suy thoái, suy giảm lòng tin của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm