Sáng nay, 24-12, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử 36 bị cáo trong vụ đưa – nhận hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Công ty CP tiến bộ Quốc tế - AIC và BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Trong phần thẩm vấn, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai và đại diện Công ty AIC lần lượt được hỏi, liên quan đến phần thiệt hại của vụ án.
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án AIC. Ảnh: CTV |
Cáo trạng xác định Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng đồng phạm dùng nhiều chiêu trò vi phạm pháp luật để trúng 16 gói thầu thiết bị y tế tại dự án xây dựng BV đa khoa tỉnh Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 152 tỉ đồng.
Với tư cách nguyên đơn dân sự, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Công ty AIC và các cá nhân có trách nhiệm bồi thường số tiền 152 tỉ đồng nêu trên.
Được hỏi quan điểm, đại diện Công ty AIC cho biết trong giấy triệu tập xác định công ty tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng trong phần thủ tục, VKS lại xác định công ty là bị đơn.
Công ty đề nghị xác định lại rõ tư cách tố tụng của mình, để có cơ sở trình bày ý kiến. VKS sau đó nhận định Công ty AIC là bị đơn dân sự trong vụ án.
Đại diện công ty cho hay, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã phong tỏa tài sản của công ty và một số tài liệu đã thể hiện AIC ký hợp đồng cung cấp trang thiết bị tại 16 gói thầu với BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.
"Về nguyên tắc mà nói trong quan hệ hợp đồng bên nào gây thiệt hại thì bên ấy phải bồi thường nên chúng tôi là bị đơn dân sự trong vụ án này là hoàn toàn chính xác. Đã là bị đơn, chúng tôi gây thiệt hại thì đương nhiên chúng tôi phải bồi thường và bồi thường toàn bộ thiệt hại mà chúng tôi gây ra", vị đại diện thừa nhận.
Đại diện Công ty AIC cũng nhắc lại việc cơ quan điều tra phong tỏa bốn tài khoản của công ty gửi tại ngân hàng với số tiền hơn 107 tỉ đồng và "chấp nhận sự phong tỏa này để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường cho chủ đầu tư”.
“Khi công ty chấp nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại thì đồng nghĩa các bị cáo là nhân viên của AIC không phải bồi thường nữa", đại diện công ty nói và mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là nhân viên của AIC.
Liền sau đó, HĐXX hỏi ý kiến các bị cáo là nhân viên của Công ty AIC. Nhiều bị cáo vẫn xin tự nguyện khắc phục hậu quả cho những sai phạm do mình gây ra.
Theo hồ sơ vụ án, quá trình giải quyết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phong tỏa hơn 107 tỉ đồng trong bốn tài khoản của Công ty AIC mở tại ngân hàng.
Cùng đó, công an kê biên một biệt thự diện tích 357m2 tại phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhờ cha đẻ đứng tên; kê biên một biệt thự diện tích 453m2 tại phố Nguyễn Huy Tự, Hai Bà Trưng, Hà Nội, đứng tên bà Nhàn.
Ngoài ra, kê biên sáu căn hộ chung cư tại chung cư Pacific Place trên phố Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội đứng tên bà Nhàn; kê biên thửa đất rộng hơn 4.000m2 tại phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đứng tên Công ty CP bất động sản AIC.
Cũng liên quan đến vụ án, gia đình cựu bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành đã nộp 14,5 tỉ đồng – toàn bộ số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ - để khắc phục hậu quả. Tương tự, gia đình cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nộp 14,5 tỉ đồng, gia đình cựu giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nộp 10 tỉ đồng, cựu giám đốc Sở KH&ĐT Bồ Ngọc Thu nộp 1 tỉ đồng.
Ngoài ra, nhiều bị cáo khác cùng gia đình cũng đã tự nguyện khắc phục từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng…