VKSND Tối cao ủy quyền công tố: Làm khó cấp dưới

Từ trước đến nay, đối với những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dù thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp tỉnh nhưng nếu thấy cần trực tiếp điều tra thì cơ quan điều tra của Bộ Công an vẫn rút lên làm. Với những vụ này, VKSND Tối cao sẽ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra và giữ quyền truy tố. Sau khi ra cáo trạng, VKSND Tối cao sẽ ủy quyền cho VKSND cấp tỉnh nơi xét xử sơ thẩm giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Luật không quy định

Có thực tế này vì Bộ luật Tố tụng hình sự quy định TAND Tối cao không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Vì thế, dù vụ án được điều tra bởi cấp trung ương nhưng vẫn phải được xét xử sơ thẩm tại TAND cấp tỉnh hoặc huyện tùy vào tội danh, khung hình phạt. Đồng thời theo luật, tòa nơi nào xử sơ thẩm thì VKS cùng cấp nơi đó giữ quyền công tố.

Như vậy, dù chính mình ra cáo trạng nhưng VKSND Tối cao sẽ không thể trực tiếp tham gia phiên tòa sơ thẩm mà phải ủy quyền cho VKS cấp dưới. Điều đáng nói là cả Bộ luật Tố tụng hình sự lẫn Luật Tổ chức VKSND hay Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND đều không hề có quy định về việc VKS cấp trên ủy quyền cho VKS cấp dưới tiến hành tố tụng như thế này.

Nhiều bất ổn

Không chỉ luật không quy định, thực tiễn xét xử còn cho thấy việc VKSND Tối cao ủy quyền cho cấp dưới giữ quyền công tố đã tạo ra nhiều bất ổn.

VKSND Tối cao ủy quyền công tố: Làm khó cấp dưới ảnh 1

Trong các vụ án phức tạp, việc VKSND Tối cao ủy quyền cho VKS cấp dưới ra ngồi tòa còn nhiều điều chưa hợp lý. Ảnh minh họa: HTD

Bất ổn đầu tiên: VKSND Tối cao giữ toàn bộ hồ sơ vụ án trong suốt quá trình truy tố, chỉ sau khi ra cáo trạng mới ủy quyền, chuyển hồ sơ về cho VKS cấp tỉnh. Theo luật, trong thời gian ba ngày kể từ khi ra cáo trạng, VKS phải gửi cáo trạng cùng hồ sơ sang tòa. Như vậy, VKS cấp tỉnh không đủ thời gian để nghiên cứu hồ sơ trong khi đã là án mà VKSND Tối cao truy tố thì đều là án lớn, phức tạp.

Mặt khác, do không tham gia kiểm sát điều tra vụ án ngay từ đầu, chỉ đọc hồ sơ rồi ra ngồi tòa nên kiểm sát viên được ủy quyền không nắm rõ, nắm hết vụ việc, chứng lý… Nhiều vụ kiểm sát viên được ủy quyền ngồi tòa lúng túng, chỉ biết khư khư “bảo lưu quan điểm” dù không “đấu” được với luật sư, làm phiên tòa mất tính tranh tụng cần có. Điều này cũng lý giải tại sao các kiểm sát viên cấp tỉnh thường không nhiệt tình với những phiên tòa được ủy quyền.

Bất ổn thứ hai: Vì được ủy quyền nên kiểm sát viên ngồi tòa phải tuân thủ triệt để ý chí của VKSND Tối cao (thể hiện trong cáo trạng). Nếu trong phiên tòa có một tình huống mới phát sinh khác với truy tố ban đầu, kiểm sát viên không thể tự quyết là rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội nhẹ hơn. Thay vào đó, họ phải đề nghị hoãn xử, về báo cáo lại với lãnh đạo trực tiếp để vị này báo cáo lên viện trưởng cấp trên xem xét, quyết định. 

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, chuyện này đem lại nhiều hệ quả: Kiểm sát viên ngồi tòa đã bị mất một phần quyền trong tiến hành tố tụng tại tòa mà luật cho phép. Đồng thời, tòa cũng khó có lý do hợp lý để hoãn phiên tòa theo yêu cầu của kiểm sát viên. Nếu tòa linh động hoãn xử, vụ án sẽ phải kéo dài hơn bình thường…

Điều động, biệt phái kiểm sát viên?

Tại phiên thảo luận sáng 22-7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, VKSND Tối cao đã đề nghị giao cho viện trưởng VKSND Tối cao quyền điều động kiểm sát viên giữa các tỉnh, thành; từ VKSND Tối cao xuống địa phương và ngược lại.

Với việc đơn giản hóa quy trình điều động, VKSND Tối cao tin rằng sẽ khắc phục được tình trạng chia cắt trong hoạt động tố tụng hiện nay. Tức là viện trưởng VKSND Tối cao có thể linh hoạt biệt phái kiểm sát viên về các VKS cấp dưới, từ đó có đủ điều kiện cho kiểm sát viên đó tham gia phiên xử vụ án mà VKSND Tối cao ra cáo trạng.

Đề xuất đã không được Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đồng tình: “Thực hiện quyền công tố tại tòa, kiểm sát viên được biệt phái đó nhân danh VKSND Tối cao hay VKS cùng cấp với tòa án xét xử? Nếu truy tố oan, sai thì trách nhiệm bồi thường ra sao? Viện trưởng VKS cùng cấp sẽ nói tôi không liên quan thì sao?”. Trước chất vấn này, viện trưởng VKSND Tối cao đã không có câu trả lời thỏa đáng.

Chưa hợp lý

Theo Quyết định số 960 ngày 17-9-2007 của VKSND Tối cao và Quyết định số 07 ngày 2-1-2008 của viện trưởng VKSND Tối cao, đối với những vụ án hình sự được thụ lý, điều tra ở cấp trung ương, sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của tòa cấp tỉnh thì VKSND Tối cao làm cáo trạng truy tố. Sau đó, VKSND Tối cao sẽ ủy quyền cho VKS cấp tỉnh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm…

Còn nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của tòa cấp huyện thì VKSND Tối cao ra quyết định chuyển vụ án cho VKS cấp huyện có thẩm quyền làm cáo trạng và thông báo cho VKS cấp tỉnh biết để theo dõi, chỉ đạo.

Như vậy, VKS cấp tỉnh lệ thuộc nhiều vào VKSND Tối cao hơn VKSND cấp huyện. Bởi lẽ ra phiên tòa, một kiểm sát viên cấp tỉnh phải y như cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố mà thực hiện, còn kiểm sát viên cấp huyện thì lại có quyền như luật định là rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố, cũng như đổi tội nhẹ hơn.

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm