VKSND TP.HCM yêu cầu báo cáo vụ xâm phạm chỗ ở

Ngày 23-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh văn phòng VKSND TP.HCM Lê Ngọc Tiến cho biết ông vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND TP, liên quan đến vụ việc có dấu hiệu xâm phạm chỗ ở tại quận 6.

Theo đó, lãnh đạo VKSND TP đề nghị viện trưởng VKSND quận 6 kiểm tra vụ việc báo nêu và báo cáo về Phòng 2 VKSND TP trước ngày 25-6. Trên cơ sở đó, Phòng 2 kiểm tra, tham mưu lãnh đạo viện, báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao phụ trách, Vụ 2 và Văn phòng VKSND Tối cao trước ngày 29-6.

Các ban, ngành vẫn đang vào cuộc

Ngày 22-6, Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh ông Đinh Văn Hữu mua căn nhà 111 Bà Hom (phường 13, quận 6), đã làm xong thủ tục đăng ký sang tên nhà, đất vào tháng 6-2018. Hai bên mua bán đã giao nhà, đất xong xuôi nhưng sau đó một nhóm người, trong đó có người là họ hàng của bên bán nhà đã đến bẻ khóa cửa, cổng rào, chiếm giữ luôn nhà, đất đó cho đến nay.

Ông Hữu đã nhiều lần vào nhà để yêu cầu được nhận lại nhà, đất của mình nhưng nhóm người trên đã ngăn cản, không cho ông vào. Ông Hữu tố giác yêu cầu xử lý hình sự vì hành vi có dấu hiệu phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự với lý do chủ nhà chưa ở ngày nào.

Chiều 23-6, trao đổi với PV, Phó Viện trưởng VKSND quận 6 (TP.HCM) Trịnh Hoàng Nam cho biết vụ việc này trước đây cơ quan điều tra đã từng khởi tố vụ án. Sau đó, VKSND quận đã thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật là yêu cầu bổ sung chứng cứ. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT công an cùng cấp không bổ sung được mà giữ nguyên quan điểm nên địa phương đã tổ chức một cuộc họp liên ngành.

Kết quả cuộc họp vẫn chưa thống nhất được quan điểm nên VKSND quận sau đó đã xin ý kiến của VKSND TP. Cơ quan CSĐT Công an quận 6 cũng xin ý kiến của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.

Nhà, đất tại 111 Bà Hom, quận 6, TP.HCM. Ảnh: CÙ HIỀN

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã có văn bản với nội dung yêu cầu Công an quận 6 tự hủy quyết định khởi tố, VKSND quận 6 hủy quyết định theo quy định tố tụng hình sự. Sau đó tiếp tục họp liên ngành tố tụng của cấp thành phố và cấp quận nhưng vẫn chưa thống nhất được quan điểm giải quyết vụ việc này.

Cũng theo ông Nam, Ban Nội chính Thành ủy đã họp, ông Dương Ngọc Hải có ý kiến chỉ đạo tiếp tục hoàn tất thủ tục xử lý hành chính, đồng thời Công an quận 6 có báo cáo về Công an TP xin ý kiến chỉ thị của Bộ Công an. Được biết, Bộ Công an đã tiếp nhận những tài liệu này để cho ý kiến chỉ đạo. Các ban, ngành vẫn đang vào cuộc tiến hành thực hiện bằng nhiều biện pháp để xử lý hành chính và có thể xử lý hình sự.

Đủ yếu tố xử lý hình sự

Luật sư (LS) Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) phân tích: Khái niệm về chỗ ở trong BLHS mang phạm trù rộng lớn hơn nhiều so với các luật chuyên ngành khác như Luật Cư trú, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, chúng ta phải hiểu chỗ ở bao gồm cả chỗ làm việc, nơi đặt làm văn phòng giao dịch… chứ không nhất thiết cứ phải là chỗ để ăn, ngủ. Đây là không gian mà chủ sở hữu hoặc người quản lý có quyền định đoạt công việc của họ chứ không nhất thiết phải ở đó.

“VKSND quận 6 cho rằng người mua nhà chưa ở ngày nào để từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố của cơ quan điều tra cùng cấp là hiểu không đúng về quy định của pháp luật” - LS Long nhấn mạnh.

Còn theo LS Nguyễn Văn Phước (nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa), không cần thiết phải có yếu tố chủ sở hữu đang ở mà chỉ cần có hành vi chiếm giữ, xâm nhập trái pháp luật hoặc cản trở trái pháp luật không cho chủ sở hữu được vào nhà ở của họ là cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác.

Trong trường hợp này, ông Hữu đã mua nhà, đất và làm xong thủ tục đăng ký sang tên nhà, đất. Tuy nhiên, một nhóm người khác có hành vi gây rối, bẻ khóa cửa, cổng rào, chiếm giữ luôn là đã đủ dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Việc ông Hữu chưa ở ngày nào trong căn nhà đó như cơ quan tố tụng đưa ra không phải là yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự.

Chưa hiểu đúng tinh thần của BLHS

Theo Điều 22 Hiến pháp năm 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Ngoài pháp luật dân sự thì BLHS là công cụ để bảo vệ quyền con người khỏi sự xâm phạm khỏi những hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội.

Điều 158 BLHS 2015 quy định tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;

c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;

d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

Như vậy, quy định của pháp luật đã khá cụ thể nhằm bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người dân. Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều lý do mà các cơ quan có thẩm quyền lại có quan điểm khác nhau trong việc xử lý. Trong vụ này hành vi cố ý phá khóa, vào chiếm giữ chỗ ở thuộc quyền sở hữu của người khác đã thỏa mãn cấu thành tội phạm theo Điều 158 nói trên. Do đó, VKSND quận 6 cho rằng hành vi nêu trên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm do chủ sở hữu hợp pháp chưa vào ở ngày nào là hiểu chưa đúng tinh thần của BLHS.

Mặc dù pháp luật đã quy định cụ thể, nội dung vụ việc cũng đã rõ ràng nhưng người có thẩm quyền xử lý lại cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, khiến người bị hại phải chịu thiệt.

LS-TS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn LS TP.HCM

NGÂN NGA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm