Tuy nhiên, lãnh đạo các cơ quan chức năng cho rằng an toàn là ưu tiên số một. An toàn hàng không không phải mục tiêu cứng mà là cả quá trình nên phải liên tục có các giải pháp yêu cầu nâng cao an toàn.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhấn mạnh ngành hàng không có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Để hàng không duy trì và phát triển, ông Hùng cho rằng an toàn là ưu tiên số một, đảm bảo an toàn, an ninh hàng không là một quá trình, không phải là đích cố định hay mục tiêu cứng mà là cả quá trình nên phải liên tục có các giải pháp yêu cầu nâng cao an toàn, là công việc phức tạp với công việc quy trình quản lý hết sức chặt chẽ.
Về số liệu Việt Nam trong 20 năm qua không có xảy ra tai nạn hàng không dân dụng, ông Hùng đánh giá đây là sự nỗ lực của toàn ngành giao thông bởi không phải quốc gia nào cũng đảm bảo được việc này mặc dù nhiều nước phát triển trên thế giới nhưng vẫn để xảy ra tai nạn hàng không. Với đầu mối trung chuyển hàng không, ông tin rằng Việt Nam có một cơ hội rất lớn để phát triển.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhìn nhận an toàn là yếu tố chủ đạo và các đơn vị trong ngành hàng không đã làm chủ công nghệ hiện đại trong an toàn đảm bảo tuyệt đối các chuyến bay. Để đảm bảo công tác an toàn, ngành hàng không xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống an toàn, chất lượng nguồn nhân lực, văn hóa an toàn hàng không. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nóng, hàng không cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, từ một triệu lượt khách vào năm 1990, đến năm 2017 đã đạt tới con số 97 triệu hành khách, tiến tới 100 triệu vào năm sau. Từ chỗ điều hành 87.974 chuyến bay năm 1994 thì đến năm 2016 con số này đã tăng gấp 8,6 lần, đạt 733.000 chuyến bay.