Vợ 73 muốn ly hôn, chồng 80 từ chối

Sáng 22-5, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm của TAND quận 1, bác đơn ly hôn của vợ chồng bà H. vì cho rằng mâu thuẫn vợ chồng chưa tới mức trầm trọng, vẫn còn tình nghĩa. Vụ án gây nhiều suy nghĩ do hai bên kéo nhau ra tòa trong độ tuổi thập cổ lai hy.

Bà đòi ly hôn, ông không chịu

Năm 1964, bà H. kết hôn với ông K. tại quận Tân Bình - tỉnh Gia Định (nay là TP.HCM). Gần 50 năm chung sống, hai ông bà có với nhau bảy người con (tất cả đã dựng vợ gả chồng), có sui gia và có cháu nội, cháu ngoại. Bản thân hai ông bà đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ bà quyết ly hôn vì cho rằng vợ chồng có nhiều mâu thuẫn; ông K. hay mắng, chửi và nói năng mất lịch sự. Do con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng, tài sản chung cả hai tự thỏa thuận nên không yêu cầu tòa giải quyết.

Ông K. bảo lý do bà H. trình bày không xác đáng. Hiện vợ chồng ông bà đã già, con cháu, sui gia đầy đủ; cả hai già yếu, bệnh tật triền miên nên cần có người bên cạnh chăm sóc, đỡ đần nhau. Vì vậy ông yêu cầu tòa bác đơn ly hôn.

Xử sơ thẩm tháng 3-2012, TAND quận 1 cho rằng mâu thuẫn của hai ông bà chưa tới mức trầm trọng nên bác đơn.

Vợ 73 muốn ly hôn, chồng 80 từ chối ảnh 1

Mong vẫn đoàn tụ

Không đồng tình, bà H. kháng cáo lên TAND TP.HCM. Tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua, bà H. một mực bảo: “Tôi từ chối làm vợ ông K. vì quá sợ. Ông nóng tính, hay chửi bới lung tung, xưng hô với vợ là mày - tao; nói năng mất lịch sự, trong khi tôi là người có trình độ, gia đình gia giáo, con cháu giàu” …

Nghe vợ trình bày, ông K. lắc đầu. Rồi ông xin tòa bác đơn ly hôn của vợ vì cho rằng mâu thuẫn không tới mức trầm trọng. Ngay lập tức bà H. bảo: “Tôi không thể sống với một người như ông nữa. Tôi đã quá ê chề rồi, mấy chục năm qua tôi không thể ly hôn vì con cái chưa lớn nhưng giờ con cái có gia đình riêng tôi muốn được thanh thản”.

Ông K. nói lại: “Tôi thừa nhận nóng tính, có la mắng đánh bà nhưng cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những mâu thuẫn. Giá vợ biết nhường nhịn, thấy tôi nóng thì nhún nhường, chờ khi tôi nguôi hẵng nói thì không đến nỗi”.

Tức thì bà H. cự lại: “Có bao giờ ông hết nóng đâu mà nói tôi chờ”.

Nghe vậy, ông K. bảo: “Tôi nóng một, bà nóng 10 thì có”.

Tuy nhiên, ông xin tòa không chấp nhận đơn ly hôn do vợ chồng ông đã có sui gia, cháu nội, cháu ngoại đầy đủ nên ly hôn sẽ rất xấu hổ, nhục nhã. Thêm nữa, con cái cũng đã bảo bố mẹ trước nay sống chung không xáo trộn gì và mong muốn tòa bác đơn ly hôn...

Vẫn gắn kết hai ông bà

Cuối phần tranh luận bà H. vẫn một mực: “Tôi từ chối làm vợ ông ấy vì tôi đã không còn tôn trọng ông ấy nữa rồi, tòa hãy xem xét cho tôi”. Đến lượt mình, ông K. cho rằng bà ấy không tôn trọng ông. Tuy nhiên, ông vẫn giữ nguyên quan điểm xin tòa bác đơn ly hôn. Khi vị chủ tọa hỏi: “Tại sao đã vậy ông còn muốn níu giữ?”. Ông K. cho rằng: “Chúng tôi có bạn bè, có xã hội, có con cái. Chừng này tuổi ly hôn hay không ly hôn có nghĩa lý gì đâu. Nhưng ly hôn là nhục nhã lắm”.

Sau khi xem xét các tình tiết, HĐXX cho rằng mâu thuẫn vợ chồng ông bà không phải xuất phát từ bạo lực gia đình mà do không hợp tính, người nóng nảy, người thiếu khéo léo nên thường xuyên xảy ra tranh cãi. Tuy nhiên, vợ chồng, con cái vẫn sống bình thường từ năm 1964 đến nay, cộng thêm tuổi tác cả hai đã lớn, mâu thuẫn chưa tới mức trầm trọng. Lý do bà H. đưa ra ly hôn đều bị ông K. phản bác và các con cũng đồng thuận với ý kiến của cha, xin tòa bác đơn ly hôn. Vì lẽ đó, tòa giữ nguyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo, bác đơn ly hôn của bà H.

Chưa tới mức phải ly hôn

Cả hai ông bà đều đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng nếu mâu thuẫn là trầm trọng không thể nào khắc phục thì vẫn chấp nhận ly hôn để cả hai thanh thản những năm cuối đời. Ở đây, cả hai thừa nhận mâu thuẫn không phải do bạo lực, càng không phải vấn đề sinh lý hay ngoại tình mà chỉ vì không hợp nhau. Cụ ông nóng tính, cụ bà không khéo léo là vấn đề đã nảy sinh từ gần 50 năm trước nhưng họ vẫn chung sống, nuôi con cái trưởng thành, đi học… giờ họ đã già, yếu, con cái cũng không muốn ba mẹ ly hôn, cụ ông một mực xin tòa bác. Vì vậy, xét mâu thuẫn không trầm trọng nên thiết nghĩ không cần thiết phải ly hôn.

Thẩm phán ĐỖ THỊ THU HƯƠNG (Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, TAND TP.HCM)

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm