Vợ chồng bà Phạm Thị Luôn đang sống tại hẻm 1011 Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM. Đã 66 tuổi, vợ chồng bà vẫn ngày ngày cùng nhau đẩy xe bánh xèo ra đầu hẻm bán cho khách qua đường, đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Vào một ngày đẹp trời, ông bà đã nhặt được một đứa trẻ từ người khách bỏ lại.
Bỏ rơi con ở quán bánh xèo
Căn nhà bà Luôn chỉ rộng hơn 40 m2, là nơi ở của cả gia đình gồm ông bà, hai người con, ba cháu ngoại, hai cháu nội và kèm theo đứa trẻ của người dưng. Vừa ôm, xoa đầu bé gái, bà Luôn vừa nói: “Nó nè cô, con bé rất xinh đẹp và cực kỳ dễ nuôi. Ai cho gì ăn nấy, không kêu ca hay đòi hỏi bất cứ thứ gì và ít khi khóc. Tôi thương nó và nó cũng thương tôi lắm. Tôi đặt tên cho nó là Nguyễn Ngọc Tường Vi, tên này đẹp, mong sau cuộc đời nó sẽ đẹp như cái tên”.
Bà Luôn kể: Hôm đó tầm 14 giờ ngày 22-12-2018, lúc ông bà đang bán bánh xèo cho khách thì có một phụ nữ khoảng 30 tuổi, cao khoảng 1,6 m, da ngăm đen, mặc bộ đồ hoa dẫn con gái khoảng ba tuổi đến gọi năm cái bánh xèo. Do lu bu khách nên ông bà cũng không để ý, một lúc sau thấy đứa bé ngồi một mình không khóc la, bên cạnh là một túi xách cũ, bạc màu. Bên trong túi có hai bộ đồ của bé gái đã cũ. Bà lại hỏi bé gái tên gì, cha mẹ là ai và nhà ở đâu nhưng có vẻ bé chỉ khoảng ba tuổi nên cũng chưa biết nhiều, chỉ nói một câu “Mẹ đi rồi”. Chờ mãi không thấy mẹ đứa bé đến và cũng đến giờ dọn hàng về nên ông bà quyết định bế bé gái ấy về nuôi đến hôm nay.
“Tôi rất giận người phụ nữ kia, nếu nuôi không nổi hay có khó khăn gì thì lúc bỏ con cũng phải cho một lời nhắn để lại là con bao nhiêu tuổi, tên gì chứ. Đằng này không có một thông tin nào cả. Tôi giờ thậm chí không biết cháu bé mấy tuổi luôn. Tuy vậy, tôi rất mong người phụ nữ kia suy nghĩ và đến xin lại con. Dù nuôi lâu mến tay mến chân nhưng tôi sẵn sàng giao bé về cho mẹ bởi không ai thương con bằng cha mẹ cả. Do bận việc buôn bán nên vợ chồng tôi đã gửi bé học ở một trường mầm non tư thục, học phí hơn 3 triệu đồng một tháng. Học phí cao nên tôi chỉ cho bé học vài tháng rồi cho nghỉ ở nhà. Tôi chỉ mong sao làm được giấy khai sinh, nhập hộ khẩu để bé được học trường công học phí sẽ thấp hơn” - bà Luôn chia sẻ.
Khi chúng tôi hỏi bé Vi rằng “Mẹ con tên gì, ở đâu…”, bé đều lắc đầu. “Vậy giờ con muốn ở đây hay về ở với mẹ?”. Bé Vi thủ thỉ nói: “Con chỉ thích ở với nội, không đi đâu hết”.
Tuy cuộc sống khó khăn nhưng bà Luôn vẫn chăm lo cho bé Vi đầy đủ. Ảnh: N.HIỀN
Phường sẽ hỗ trợ cấp giấy khai sinh cho bé
“Trước đây, chồng tôi có đến UBND phường 16, quận Gò Vấp để xin được hướng dẫn làm khai sinh cho bé Vi nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Tuổi vợ chồng tôi đã già cũng không biết bán bánh được bao lâu nữa nhưng hiện tại thì tôi cũng có đồng vô đồng ra để lo cho bé Vi. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để lo cho nó thành người với hy vọng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Còn sức còn làm còn lo, tôi không mong nhận được tiền bạc hay trợ giúp nào của người khác, mà chỉ mong có giấy khai sinh cho bé để nó có một cái tên, được học hành như bao đứa trẻ khác” - bà Luôn cho biết thêm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Văn Minh, Chủ tịch UBND phường 16, quận Gò Vấp, cho biết theo xác minh của phường thì vợ chồng bà Luôn, ông Chương đã nuôi bé Tường Vi gần một năm qua. Khi nhận nuôi cháu bé, ông Chương có báo khu phố và bà con trong khu vực đều biết. Cách đây khoảng một tháng, ông Chương có đến phường để hỏi về thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho cháu bé bị bỏ rơi và hiện tại thì phường đang thực hiện các thủ tục đúng theo quy định để cấp giấy khai sinh cho bé.
Về phần phường, trước đây khi nhận được thông báo về sự việc có đứa trẻ bị bỏ rơi mà ông Chương đang nuôi thì phường có đăng thông báo sự việc nhưng đến nay không có ai đến nhận con. Phường sẽ sớm hoàn tất thủ tục cấp giấy khai sinh cho bé, sẽ làm thủ tục nhập hộ khẩu và chính thức giao bé cho vợ chồng bà Luôn nuôi dưỡng.
Thủ tục nhận nuôi bé bị bỏ rơi ra sao? Theo Điều 14 Nghị định 123/2015 quy định: Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho UBND hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Ngay sau khi nhận được thông báo, chủ tịch UBND cấp xã hoặc trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi. UBND cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. Sau khi lập biên bản thì UBND cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND trong bảy ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Người nào muốn nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi thì phải đáp ứng các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt. Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM |